Chương 18: Lên Phủ

82 12 3
                                    

Mùng 3 Tết.

Cao Nhật Trình đã cắn đến hạt bí thứ một nghìn bảy trăm lẻ chín. Cứ năm giây một Trình lại hướng mắt ra ngoài phòng khách, nơi có bố mẹ và ông bà nội đang ngồi nói chuyện ở đó.

Ở nhà ông bà nội, Trình có ông bà chở che, tuy địa vị không bằng Nhật Linh công chúa nhưng cũng là cháu trai cưng của gia đình.

Không biết ông bà với bố mẹ nói chuyện như thế nào, ở phòng bếp cách một khoảng xa chỉ nghe thấy tiếng ti vi đang mở chương trình Tết. Sau bữa cơm trưa, hai chị em phụ trách việc dọn dẹp, trước khi mang trà ra bàn uống nước mẹ dặn: "Rửa bát xong, hai đứa ngồi móc nốt mấy cuộn len bà để trong hốc tủ nhé". Thế là Linh Trình đã ngồi ê mông trong phòng bếp được gần một tiếng đồng hồ.

Nhật Linh lâu không móc len nên tỏ ra rất hứng thú, lần đầu tiên trong suốt 18 năm làm em, Trình nghe được câu: "Trình cứ ngồi chơi, để chị móc hết cho!". Kết quả, Nhật Trình vừa cắn hạt vừa nghe ngóng cuộc nói chuyện đầu năm mà nội dung phần lớn sẽ về cậu con trai út trong năm tới sẽ thi đại học.

"Linh, em không nghe được gì cả!"

Nhật Linh bỏ kim móc xuống, lấy áo khoác mặc lên, tiện tay ném áo cho thằng em đang ngồi vắt chân chữ ngũ cắn hạt:

"Thôi, đứng lên đi ra lấy xe lên Phủ chơi!"

"Ơ lên làm gì? Mùng một đi rồi mà!"

"Nhanh lên, ra lấy xe chở tao đi! Chứ cứ ngồi đây có ngày cổ mày vươn dài ra hai mét."

Nhật Linh đẩy em trai đứng dậy, dẹp hết vỏ hạt vào thùng rác, cất luôn hộp đựng hạt bí hướng dương lên chạn bát, khóa tủ lại, giấu chìa vào hốc bí mật mà một kẻ tay to như Trình không thể mò vào lấy được.

Trình ngơ ngác khoác áo vào, trong lúc Nhật Linh dọn dẹp mọi thứ thì cậu chàng tranh thủ mò ra cầu thang, khom lưng ngồi xuống bậc dưới cùng nghe ngóng.

"Cứ để thằng bé theo đuổi ngành nó thích đi. Chúng mày đẻ nó ra thì phải để nó được sống chứ. Cháu nó có khao khát đam mê, chứ có phải ham chơi lông bông đâu mà hai vợ chồng cứ cấm cản!"

Giọng ông nội trầm khàn vang lên, giữa chừng câu nói còn pha thêm tiếng cười giòn. Trước đây, ông làm giảng viên ở Đại học Y Hà Nội, cùng từng đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa ở bệnh viện, giờ về hưu rồi thỉnh thoảng ông vẫn lên trường thuyết giảng, nhưng phần lớn thời gian ông ở nhà chăm sóc cây cảnh và đọc sách nghiên cứu về y học.

"Mẹ không có ý kiến gì, miễn cu Trình vui vẻ là được."

Bà nội nói, chất giọng người phụ nữ Hà thành ấm áp nhẹ nhàng, vừa thanh vừa ngọt. Những năm ông là giảng viên ưu tú thì bà cũng là bác sĩ phẫu thuật xuất sắc, xung phong trên chiến trường ác liệt. Thật may mắn, hai ông bà vẫn sống sót từ trong bom đạn và tiếp tục cống hiến đến ngày hôm nay.

Bà khéo tay lắm, những năm đất nước còn nghèo đói, bà vừa cứu người vừa chăm lo cho con cái. Áo len, khăn len bà đan cho con cháu, cho cả những đồng nghiệp và những người không có áo ấm trong mùa đông lạnh giá.

Cũng chính bà là người đã dạy Trình và Linh biết đan móc đồ thủ công. Mỗi lần hai đứa trẻ sang nhà ông bà nội đều không cần đến internet và máy tính điện thoại, chỉ cần ngồi nghe ông kể về các loại dược liệu và ngồi móc len cùng bà cũng đã hết một ngày.

Phương TrìnhWhere stories live. Discover now