9.TÔI TRỐN SANG TÀU GẶP CỤ NGUYỄN-THUẬT VÀ LƯU-VĨNH-PHÚC Ở QUẢNG-CHÂU

Bắt đầu từ đầu
                                    

於百年中須有我
Ư bách niên trung tu hữu ngã

起千載後更無誰
Khởi thiên tải hạ cảnh vô thùy

江山死矣生圖汭
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế

賢聖遼然誦亦癡
Hiền thánh liêu nhiên tụng việc si

願逐長風東海去
Nguyện trục trưởng phong Đông hải khư

千重白浪一齊飛
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

Bài dịch :

Khác thường bay nhảy mới là trai,
Chẳng chịu vần xoay mặc ý trời !
Trong cuộc trăm năm đành có tớ,
Rồi sau muôn thuở há không ai ?
Non sông đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
Đông-hải xông-pha nương cánh gió.
Nghìn làn sóng bạc múa ngoài khơi.

Từ đây trở đi, chúng tôi để chân vào con đường nguy-hiểm rồi.

Chính-phủ Pháp không cho người Việt-Nam mình có quyền tự-do lai-vãng. Phàm ai muốn ra xứ ngoài du-lịch hay là buôn bán, nếu không
được Bảo-hộ cho phép đi thì tất bị buộc tội ngầm thông nước ngoài, mưu-chuyện làm loạn. Có điều là ai được Bảo-hộ cho phép đi, tất phải là người có tư-cách đủ tin cậy hay là khéo chiều lòng mới được ; tôi vốn không có đủ những tư-cách ấy, thành ra tôi phải đi trốn.

Tăng-quán đi trốn nhiều lần rồi, đường sá rất quen thuộc thông-thạo ;ông chỉ vẽ cho tôi cái kế thay hình đổi dạng để qua cửa quan-ải cho lọt.

Từ Hải-phòng ra Moncay, tôi giả làm chú khách đi buôn, cạo đầu kết bím, đáp một chiếc tàu buôn mà đi.

Lúc tàu đến bến, chúng tôi đợi đêm khuya mới dám mướn một chiếc thuyền đánh cá nho-nhỏ, lén qua Trúc-sơn, Trường-sơn là bờ cõi huyện Phong-thành nước Tàu.

Chuyến đi này tuy là nguy-hiểm, nhưng mà vui thú lạ-thường.

Ra khỏi bờ cõi rồi, các món giấy tờ quan-hệ và tiền bạc của chúng tôi đều còn nguyên lành. Ôi người ta nghiêm-cấm mình chừng nào, kết-quả
bà con mình càng thêm giỏi cái ngón phá cũi xổ lồng chừng nấy, không riêng gì một mình tôi, theo chân nối gót chúng tôi đi ra hải-ngoại, còn thiếu chi người !

Ở lại Trúc-sơn một tuần-lễ mới đáp ghe buồm Khâm-châu mà đi Bắc-hải.

Lúc bấy giờ đã bước qua sơ tuần tháng hai, còn có ngọn gió đông-bắc thổi khá, thành ra ghe đi chỉ có 7 ngày tới Hiệp-phố. Chúng tôi đổi sang tàu buôn Hồng-mao mà đến Hương-cảng.

Tàu đến bến, chúng tôi lên bờ, ở loanh-quanh hết hơn một tuần lễ. Trong óc tôi lúc này thấy sự vui sướng không biết sao mà nói, cảm sự đau-khổ,cũng không biết sao mà nói.

Vì tôi mới bỏ nước trốn đi, người Pháp chưa hề nghe biết. Lúc ra khỏi bờ cõi áp-chế rồi, mình thấy hoàn-cảnh mình đều là không-khí tự-do,
mặc ý mình đi lại thong-thả, trái lại, thân mình về trước không khác gì một con ngựa hay, bị nhốt trong chuồng, lại bị người ta may kín cả hai mắt lại tối đen, nay bỗng chốc được cắt chỉ mở mắt ra mà chạy nhởn-nhơ dong-ruổi ở giữa khoảng đồng rộng mênh-mông, sung-sướng thảnh-thơi biết mấy. Nhưng nghĩ mình thì vậy, nhớ tới cái cảnh đồng-bào dang bị bó-buộc,
thì ruột mình muốn đứt ra từng khúc.

Tại Hương-Cảng thấy học trò đi học vui-vẻ đông-đảo, cảnh buôn-bán tấp-nập đêm ngày ; dọc đường không hề thấy ai bị lính bắt đứng lại xét hỏi giấy thân ; không có ai đi đêm không đèn mà bị lính thộp ngực dẫn về bóp ; không có thứ lính tuần hung-bạo ngang-tàng, bắt-bớ người vô-tội ở giữa đường, không có cảnh-tượng người bản-xứ bị người Âu-tây bắt-nạt mà phải nép mình một bên đường. Ôi ! Hương-Cảng cũng là đất dưới quyền ngoại-nhân cai-trị, nhưng Hương-Cảng có vẻ mùa xuân tươi cười, không phải như ở xứ mình.

Lúc này tôi nghe nói quan Hiệp-đốc đại-thần Nguyễn-thiện-Thuật trước kia vì quốc-nạn mà chạy sang Quảng-Đông, giờ đang ngụ trong nhà thờ họ Lưu ở Sa-hà. Nguyễn-công là người ngang hàng với bậc thân-phụ tôi, lại là một tay cần-vương ngày trước, nay tôi sang tới đây, chẳng lẽ không nói cho cụ biết.

Tôi bèn đi Quảng-Đông, tìm tới viếng cụ. Thấy tôi cụ hết sức vui mừng, rồi dắt tôi đến yết-kiến Uyên-Đình Lưu-vĩnh-Phúc.

Lưu bây giờ đã già, nhưng cùng tôi nói lại chuyện cũ ở Bắc-kỳ, thỉnh-thoảng Lưu còn vỗ bàn hét lớn, khiến cho tôi tưởng thấy cái hùngp-hong như hồi đánh nhau với quân tây ở Cầu-giấy gần Hà-nội vậy.

Ngục Trung ThưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ