Phan Tử nói với tôi: "Cậu Ba, trong số chúng ta chỉ có cậu là biết tiếng Tây, nếu đến cả cậu cũng không đọc được thì cả lũ bó tay rồi. Hay là cậu phiên dịch mấy chữ tiếng Anh này ra tiếng Trung cho chúng tôi nghe, dù không hiểu ý cả câu nhưng chúng ta cũng có thể đoán mò mà?"
Phan Tử đến một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, có lẽ anh ấy tưởng tiếng Anh thực ra cũng giống tiếng Trung, mỗi chữ cái mang một ý nghĩa *=))))* Tôi cũng lười xóa mù chữ cho anh, bèn nói: "Muốn đoán chi bằng đoán xem kí hiệu này do ai để lại, mục đích để lại là gì, như thế xác suất đoán trúng ý nghĩa còn lớn hơn."
Bàn Tử nghi hoặc nói: "Ai để lại thì chịu chết rồi, nhưng mục đích còn phải đoán nữa sao? Cái này không phải để dẫn đường cho chúng ta à?"
Tôi lắc đầu: "Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy, nhưng giờ xem ra không phải. Nếu thực sự viết cho chúng ta thì ít nhất cũng nên dùng kí hiệu mà chúng ta đọc được chứ. Người khắc mấy kí hiệu này dùng hình thức cực kì tối nghĩa, xem ra mục đích không phải là giúp chúng ta. Chúng ta có thể đã ăn may, kí hiệu này rõ ràng là để lại cho người khác."
Phan Tử ngẫm nghĩ một lúc, cảm thấy có vẻ hợp lý, lại hỏi: "Vậy người khác là ai?"
"Đám người của A Ninh đông như kiến, có thể họ chia ra vài nhóm để hành động. Kí hiệu này có thể là ám hiệu giữa mấy tiểu đội của bọn họ." Bàn Tử đáp.
Tôi gật đầu, tỏ ý khả năng này có thể xảy ra, nhưng không có căn cứ, tình huống thực tế không thể phán đoán. Tôi nói: "Cũng có thể còn nguyên nhân khác nữa, bây giờ có đoán cũng vô ích."
Điều tôi quan tâm nhất chính là tin tức ẩn chứa trong kí hiệu, kí hiệu này hẳn là cùng loại với kí hiệu trong bản đồ thám hiểm quốc tế. Có những con đường mòn xuyên qua rừng rậm nguyên sinh, trên bản đồ luôn phân chia thành nhiều cấp bậc nguy hiểm. Một kí hiệu ngoài việc cho anh biết chỗ này có thể đi được thì còn nói rõ trên con đường này có thể gặp phải thứ gì, ví dụ như trên đoạn sông có hà mã sẽ có ám hiệu mang ý nghĩa 'hà mã' chẳng hạn.
Đi đến đây kí hiệu đột ngột thay đổi, khiến người ta không thể không thắc mắc ý nghĩa đặc biệt của kí hiệu kia. Phải chăng đây là cảnh báo trong mộ đạo này có bánh tông? Cái này thực sự làm cho người ta buồn bực.
Tôi chợt nghĩ tới dòng chữ cảnh báo trên xe Jeep 'Có gấu xuất hiện, chú ý!' Có lẽ người lưu lại kí hiệu cũng có cách thức làm việc giống khi thám hiểm. Kí hiệu này có lẽ muốn nói 'Có bánh tông xuất hiện, chú ý!'. Tôi lập tức tưởng tượng nếu như có thể sống sót trở ra, mình có nên dán cái kí hiệu này lên con xe Jinbei ở nhà (1) cho nó cá tính không.
Phan Tử không biết tôi đang nghĩ nhăng nghĩ cuội, đột ngột mở lời: "Cũng không đúng, tôi cảm thấy ý nghĩa của kí hiệu này không phải là nhắc nhở có gì đó nguy hiểm. Cậu nghĩ mà xem, trong mộ đạo có nguy hiểm hay không thì phải vào mới biết chứ, không lý gì bọn họ đi vào rồi lại quay trở về mà khắc mấy kí hiệu này. Nói cách khác, kí hiệu này khắc vào thời điểm người đó chuẩn bị tiến vào mộ đạo, ý nói mình đã đi về hướng này, cho người đến sau biết hành trình của mình, còn bên trong có thứ gì thì lúc khắc người đó chắc chắn không biết. Cái này kể cũng đáng chú ý, gọi là 'truy tung ngôn ngữ'.
BẠN ĐANG ĐỌC
Đạo Mộ Bút Ký - Nam Phái Tam Thúc (Phần 1 - Phần 4)
Mystery / ThrillerTác Phẩm: Đạo mộ bút ký - 盗墓笔记 Tác giả: Nam Phái Tam Thúc - 南派三叔 Chuyển ngữ: Thủy Đạm Nguyệt group (https://thuynguyetvien.wordpress.com/) Thể loại: Bí ẩn, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị. Nhà xuất bản: Hữu nghị Trung Quốc, Văn nghệ thời đại, văn hóa T...
Phần 4 chương 37
Bắt đầu từ đầu