VIỆC LÀNG (Ngô Tất Tố) - CON GÀ THỜ

485 1 1
                                    

Ở làng V.Đ. Ông chủ nhà trọ của tôi đáng lẽ cũng là bậc sướng. Dẫu không là tay cự phú, trong nhà cũng có gần sáu mẫu ruộng, một con trâu cái, một con lợn nái, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia, tiền bạc tiêu đâu sẵn đó, nếu chỉ bảy tám chục đồng trở lại, dù là việc bất thình lình, cũng không phải vay của ai. Gia đình lại rất đề huề. Trên thì bà mẹ gần tám mươi tuổi, vẫn còn sáng suốt, tỉnh táo, không lòa không điếc, cũng không lẫn lộn, dưới thì đàn con sáu đứa, trai có, gái có, đứa nào cũng ngoan ngoãn dễ bảo. Cái cô con gái đầu lòng mới mười lăm tuổi mà đã bốn năm ông tổng, ông bá muốn hỏi cho con. Bà vợ ông ấy chưa nhận lời ai, sợ rằng gả chồng cho cô này, công việc đồng áng sẽ không đủ người coi sóc. Tuy cũng là nhà làm ruộng, nhưng mà quanh năm chí tối, ông ấy không hề phải đặt cái cày lên vai. Cho đến những lúc sớm cạn, mạ úa, người ta đánh nhau vỡ đầu vì tranh nhau cái bầu tát nước, ông ấy cũng chỉ đủng đỉnh ra đồng với cái cuốc bổ xem chỗ nào còn nước, chỗ nào hết nước, đâu nên cấy trước, đâu nên cấy sau, và anh thợ cày có chịu làm việc, hay chỉ ngồi hàng ngồi quán. Ấy đó, công việc ông ấy đại khái có vậy. Ở thôn quê, như vậy cũng là tiên cách. Quan bất phiền, dân bất nhiễu, suốt năm lúc nào cũng ung dung. Nhưng mấy tháng gần đây, ông ấy lại rất vất vả. Chỉ vì có hai con gà. Năm đó ông ta chẳng đã năm mươi nhăm tuổi à? Theo tục làng đó, đàn ông năm mươi sáu tuổi mới lên lão làng. Nhưng từ ba mươi tháng một cái năm năm mươi nhăm tuổi, đã phải sửa một cỗ xôi và một con gà để đem ra đình lễ thần, rồi biếu dân. Cỗ xôi không quan hệ lắm, miễn được gạo trắng và dẻo, đóng vào đầy một chiếc quả "phù trang" của làng. Duá có con gà thì hơi cầu kỳ một chút. Nó phải là thứ gà sống mã đỏ, chân vàng, vặt lông và luộc chín rồi, còn đủ bốn cân. Lệ làng định rõ như thế. Thế nhưng ít ai chịu giữ đúng lệ. Người ta đua nhau tự tăng số cân ấy lên, ít nhất cũng là năm cân, nhiều thì có khi sáu cân, bảy cân, hễ gà càng lớn bao nhiêu, ông chủ càng được dân làng kính trọng bấy nhiêu. Nghe nói từ đời Thiệu Trị, Tự Đức chi đó, có ông lão nuôi được con gà nặng bảy cân rưỡi, đến nay cả làng vẫn còn ca tụng. Họ bảo ông đó hết lòng thành kính đối với quỷ thần, nhờ có quỷ thần phù hộ, cho nên gà của ông ta mới lớn như vậy. Dù chẳng dám mong nối gót được ông cụ ấy, nhưng ông chủ nhà trọ của tôi cũng vẫn quả quyết không chịu thua ai trong hồi gần đây. Hồi cuối năm kia, nghe nói ở dưới làng Hồ có giống gà tốt, ông ấy muốn mua, đã phải thân hành đến nơi để được tự mình kén chọn. Sau mười mấy ngày lăn lóc ở vùng Hồ, ông ấy vui mừng trở về với hai con gà con nhốt trong một chiếc lồng khiếu. Đôi gà mới lạ làm sao! Nó lớn bằng con chim câu và trọc lông lốc như đầu ông sư. Từ cổ đến đuôi toàn là thứ thịt đỏ hỏn, lơ thơ điểm ít sợi lông tơ. Mỗi con ở hai vút cánh, đều có hai cái lông cánh lớn bằng vảy ốc và cong vểnh lên như miếng cau khô để ngửa. Ông ấy bảo với tôi rằng:

- Những nhà hà tiện thường chỉ nuôi có một con. Bởi vì lệ làng chỉ có một con. Nhưng mà con gà độ bốn, năm cân, tất nhiên phải nuôi trong khoảng hai năm trở ra. Giả sử nuôi đến nửa chừng, chẳng may nó chết, thì không thể nào mua đâu được nữa. Bởi vậy, tôi phải mua phòng hai con. Nhờ giời nếu nó còn cả, thì một con lễ đình, còn một con nữa tôi đem lễ chùa, chứ không dám bán mà cũng không dám ăn. Vì rằng mình đã thành tâm nuôi về việc thờ, nếu đem bán hay để ăn ấy là đắc tội với quỷ thần.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Mar 28, 2013 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

VIỆC LÀNG (Ngô Tất Tố) - CON GÀ THỜNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ