Chú thích (001 - 132)

284 4 0
                                    

vách quế: vách quế, cung quế là nơi cung-điện gọi là Quế-cung. Sách Nam-bộ yên hoa ký chép : Vua Trần Hậu-chúa làm một nơi cung-điện cho cung-phi Trương lệ Hoa ở tại sau điện Quang-chiêu, xây một cửa tròn lớn, khảm tấm thủy-tinh pha-lê như hình mặt trăng, sau bôi phấn trắng, giữa sân rộng, trước cửa ấy chỉ trồng một cây quế, tượng hình cây quế trong mặt trăng, như lời thế-tục nói: Nguyệt trung đơn quế. Cung ấy gọi là Quế-cung.
Quế tức là cây Mộc-tê tục gọi cây hoa-mộc, hoa từng chùm như cái vỏ lúa, có hương thơm xa.
Đây dùng vách quế mượn điển xưa, chỉ nơi của cung-nhân có sắc đẹp được vua yêu ở đấy.

gió vàng
: bởi chữ Kim-phong là gió mùa thu, mùa thu thuộc số ngũ-hành là chữ kim, về vị-trí thu ở hướng tây, về số địa-chi thuộc quẻ Canh-tân loài kim, nên gọi thu là Kim-thiên. Gió thu là Kim-phong : gió vàng.
vũ-y: áo dệt bằng lông chim ngũ sắc để dùng múa, có vẻ lộng-lẫy như các tiên bay trên trời. Những cung-phi thường mặc áo ấy để khi có cuộc vui, chầu ngự múa.
tiêu-phòng: Đời xưa ở nơi phòng bà Hoàng-hậu ở, dùng tiêu tán nhỏ, bôi vào vách cho thơm và ấm, gọi là tiêu-đồ. Đây dùng Tiêu-phòng tức nơi phòng bôi tiêu, nơi cung cấm các bà hậu-phi ở.
tạo-hóa: nghĩa là trời đất sáng-tạo và hóa-dục muôn vật.
Vẻ phù-dung: là vẻ đẹp của hoa Phù-dung. Hoa ấy màu cung phấn đỏ nhạt, hoa lớn gồm 4,5 hoa tường vi, buổi mai nở, buổi chiều tàn, thường ví nhan-sắc người đẹp.
Thơ Bạch cư Dị, bài Trường-hận ca, tả tình vua Đường Minh-hoàng nhớ bà Dương quí-phi có câu : Phù-dung như diện liễu như my : hoa phù-dung như mặt, lá dương-liễu như mày.
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu-dung: Câu này dùng điển nàng Ban tiệp Dư là một cung nhân của vua Thành-đế nhà Hán, bà làm nữ-quan đến chức Tiệp Dư họ là Ban, được vua yêu lắm, sau bị nàng Triệu phi Yến gièm, bà sợ nguy thân xin vua cho ở chầu hầu bà Thái-hậu, mẹ vua ở cung Trường-tín. Từ khi bà về ở cung ấy thì sự sủng-hạnh ngày một phai dần, nên bà đã đề một bài thơ ở trên cái quạt tròn, bằng một thứ bát tơ trắng gọi là gọi là Tề-hoàn mà bà tự dệt ra và tự chế thành cái quạt tròn, để tự ví thân phận mình, thơ rằng :
Tân chế Tề hoàn tố
Hạo khiết như sương tuyết
Tài thành Hợp-hoan phiến
Đoàn-đoàn tự minh nguyệt
Xuất nhập quân hoài tụ
Động đạo vi phong phát
Thường khủng thu tiết chí
Lương viêm đoạt viêm nhiệt
Khí nguyên giáp tư trung
Ân-tình trung đạo tuyệt.

Nghĩa là :
Mới chế lụa Tề trắng
Trong sạch như sương tuyết
Đem làm quạt Hợp-hoan
Tròn hinh giống mặt nguyệt
Ra vào trong tay vua
Lay động sinh gió mát
Thường sợ tiết thu đến
Gió mát cướp nồng nhiệt
Ném cất vào xó rương
Nửa đường ân-ái tuyệt.

Cái quạt và bài thơ Ban tiệp Dư tự ví mình như cái quạt Hợp-hoan tròn đã từng được vua yêu-chuộng nhưng phải ném cất vào xó rương, vì hơi thu mát đã cướp mất gió mát của quạt, nên ân tình nửa đường phải đoạn tuyệt. Ví mình bị người dèm pha, bị vua ghét bỏ.
Đây tác giả dùng chữ "gấm" cho khỏi dùng chữ Tề-hoàn là một thứ lụa mỏng hay bát tơ có vẻ sáng đẹp dùng làm quạt rất dẹp. Đáng lẽ nói lụa nàng Ban, hay quạt nàng Ban. Bởi chữ gấm ấy mà lắm người không rõ lại giải-nghĩa- Gấm của nàng Ban tiệp Dư và nàng Triệu phi Yến dệt, thì rất vô nghĩa. Vả những chữ Đoàn-phiến : quạt tròn, chữ "Thu-dung" là dung mạo lạnh lẽo mùa thu, thảy là những chữ thành-ngữ của Ban tiệp Dư, đọc đến biết ngay không phải nghi-hoặc gì nữa.
Áng Đào Kiển: Áng cái khuôn-khổ, nề-nếp có vẻ đẹp, hoặc có văn-chương hay. Đào Kiển là Đào Kiển phu-nhân là tên riêng của nàng Qua tiểu Nga. Sử nhà Nguyên chép : một cung-phi phong chức Thục cơ nhất-phẩm phu-nhân đời vua Thuận-đế nhà Nguyên là Qua tiểu Nga có thể chất rất lạ : trắng mà ửng màu hồng, mỗi khi rửa mặt hoặc ra mồ hôi ướt da, thì mặt có vẻ tươi như hoa đào ngậm lộ, càng thêm vẻ yêu kiều. Vua Thuận-đế gọi nàng là yêu đào nữ : gái đào thơ ; nhân lời vua mà trong cung kêu nàng là Đào Kiển phu-nhân : phu-nhân có vẻ đẹp uốn vặn dã-dượi như cây đào non. Nàng có vẻ đẹp ấy, riêng được vua yêu chuộng hơn các cung-phi khác làm cho cung nhân phải phiền não.
Khoé thu-ba: khoé là khóe con mắt. Thu ba là sóng mùa thu, nước thu thường đầy, sóng thu càng đẹp. Con mắt người gái đẹp có vẻ uớt và sáng như sóng mùa thu.
sóng khuynh thành: Làn sóng làm cho thành nghiêng đổ, nghĩa bóng, đôi con mắt liếc, người phải theo đến nỗi nghiêng thành. Kinh thi có câu:
Triết phu thành thành, Triết phụ khuynh thành :
Người đàn ông giỏi dựng nên một thành trì, người đàn bà đẹp làm nghiêng đổ thành trì.
mây mưa: bởi chữ vân-võ, bởi điển vua Tương vương nước Sở đi chơi đầm Vân-mộng gần núi Vu-sơn chiêm bao thấy một người gái rất đẹp đến chung chạ chăn gối với Vương, và tự xưng là Vu-sơn thần nữ : thần nữ ở núi Vu-sơn. Lại nói: mỗi buổi mai thần nữ làm mây, buổi chiều làm mưa ở núi Vu-sơn. Về sau Vương nghiệm xen quả thật như lời Thần nữ nói trong giấc mộng, bèn lập đền thờ Thần nữ ở chân núi Vu-sơn. Bởi điển ấy người sau dùng chữ "vân" "mây mưa" mà ví sự trai gái chăn-gối chưng chạ ấp-yêu. Hoặc dùng chữ non Thần, non Vu, đỉnh Giáp, đều nghĩa ấy.
cá lờ-đờ lặn: Sách Trang tử nói : sắc đẹp nàng Vương Tường và Lệ Cơ đẹp dến nỗi con cá thấy phải chìm lặn, con nhạn thấy phải bay cao, tức chữ "Trầm ngư lạc nhạn" : cá lặn nhạn sa, ý nói đẹp quá con cá con nhạn đều phải tránh bay cao . Người sau đổi chữ bay cao làm chữ sa xuống mà nói: "cá lặn nhạn sa".
nhạn ngẩn-ngơ sa: Xem chú thich số 12 ở trên.
Tây Thi, Hằng Nga: tên người con gái quê làm vải sợi, giặt vải sợi, ở thôn Trữ-la, có sắc đẹp tuyệt thế. Đời Xuân thu vua Việt-vương là Câu Tiễn bị thua vua Ngô-vương ở đất Cối-kê, sau mưu thần của Việt-vương là Phạm Lãi mua nàng Tây Thi về dạy ca múa thành tài, rồi đem dâng vua Ngô là Phù Sai tại nơi điện Cô-tô. Phù sai yêu nàng, mê say phải mất nước. Về sau Phạm Lãi đem Tây Thi đi chơi cảnh Ngũ Hồ mất tích.
"Hằng Nga" nguyên là vợ chàng Hậu Ngại đời vua Hoàng đế. Ngại học tiên, cầu được thuốc trường sinh bị Hằng Nga uống trộm thành tiên bay lên cung trăng (Liệt tiên truyện)
Tây Thi và Hằng Nga là hai người có nhan-sắc tuyệt thế.
Câu cẩm-tú:Cẩm-tú là gấm thêu
họ Lý: tức là Lý Bạch là một thi-nhân đời Đường, có tiếng giỏi văn-chương xưng là "miệng gấm lòng thêu" (tú khẩu cẩm tâm) Lý Bạch hiệu là Thanh Liên. "Chàng Vương" là Vương Duy có tài vẽ khéo thơ hay, trong thơ có vẽ có thơ. Vương Duy hiệu là Ma Cật. "Lý Bạch, Vương Duy" là hai nhà thơ hay vẽ khéo đời Đương.
đan-thanh:Sắc đỏ sắc xanh
Lưu Linh: sinh ra khoảng cuối đời Tấn, người đất Bái, tự là Bá Luân. Có tính phóng-khoáng hay uống rượu, cùng ông Nguyễn Tịch, Khê Khương kết bạn thân, có làm bài Tửu đức tụng chúc tụng đức tính của rượu. Ông làm quan với nước Tấn đến chức Kiến-oai tướng-quân.
Đế Thích: tên Lý Chế là một sư có tài đánh cờ vây (cờ tiên) rất cao. Chưa rõ ở đời nào
tri-âm:người tinh-sành âm-luật, gọi là tri-âm. Cổ-thi có câu :"Bất tích ca giả khổ, đãn thương tri-âm hy" : không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau-đớn người tri-âm ít mà thôi.
Tư-mã: Tư-mã Tương Như người ở Thành-đô đời Hán, có tài học giỏi đàn hay, đã đàn khúc Phụng Cầu làm cho nàng Trác văn Quân bỏ nhà theo làm vợ
Tiêu-lang:chàng Tiêu, tức Tiêu Sử đời Xuân-thu, có tài thổi ống tiêu như tiếng chim phụng kêu; dạy nghề ấy cho vợ, là con ông Mục-công nước Tần là nàng Lộng Ngọc thành tài. Có chim phụng bay xuống, hai vợ chồng cỡi phụng bay lên trời thành tiên (chuyện chép ở Liệt-tiên-truyện).
Bệnh Tề Tuyên:Vua Tuyên-vương nước Tề trong khi nói chuyện trị nước (chính-trị) với thầy Mạnh-tử, có nói câu "quả-nhân hữu-tật, quả nhân hiếu sắc :kẻ quả-nhân (tụ xưng) này có tật, kẻ quả-nhân này ưa sắc". Đó chỉ là một câu nói ví-dụ ở trong việc chính-trị, mà đây dùng lối "đoạn chương thủ nghĩa" (cắt câu lấy nghĩa) cho thêm lý-thú khôi-hài. Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên, tức bệnh ưa sắc đẹp của một đấng quân-vương.

Cung Oán Ngâm KhúcWhere stories live. Discover now