#8

8 5 0
                                    

Bức thư gửi mẹ

Triệu Cường Dịch

Khi tôi quyết định gia nhập Lực lượng Hải quân Mỹ, tôi mới mười bảy tuổi. Mẹ tôi ra sức khuyên tôi nên từ bỏ ý nghĩ đó đi nhưng cuối cùng không còn cách nào khác, bà vẫn kí vào bản cam kết đồng ý cho tôi nhập ngũ.

Kết thúc đợt huấn luyện tân binh, tôi được đưa đến một nơi khác - căn cứ hải quân ở vịnh Subic của Philippines. Trước khi nhập ngũ, tôi chưa từng đặt chân đến một vùng đất xa xôi, cách nhà tôi đến trên tám mươi vạn dặm như vậy.

Sau khi sống ở Philippines được gần hai năm, tôi đã coi vùng đất này là ngôi nhà thứ hai của mình. Bỗng một hôm, tôi bị gọi đến phòng làm việc của Trung tá Boyd. Trung tá có vẻ mặt rất lương thiện, nhưng tôi đoán chắc rằng ông gọi tôi đến không phải vì đã đến lúc điều tôi đi nơi khác.

Trung tá đang xem những văn bản gì đó, tôi đứng trước bàn làm việc của ông, trong lòng rất lo lắng, không biết ông gọi đến là vì việc gì. Đột nhiên, ông ấy ngẩng đầu lên và hỏi tôi: "Repin, tại sao trong nửa năm qua anh không viết thư về cho mẹ của mình?".

Tôi chợt cảm thấy dưới chân mềm nhũn, trong lòng nghĩ ngợi và tự hỏi: "Có thật là đã lâu như vậy rồi không?"

"Thưa Trung tá, tôi không biết viết gì cả".

Trung tá nhìn tôi với con mắt đầy hoài nghi. Sự thật là khi ấy, chúng tôi không có việc gì làm, rất rảnh rỗi, những chiến sĩ hải quân trẻ tuổi như tôi có quá nhiều trò vui, chúng tôi hầu như chẳng có việc gì quan trọng.

Trung tá kể với tôi rằng, mẹ tôi đã đến Hội Chữ thập đỏ của Mỹ, và sau đó, Hội Chữ thập đỏ liên hệ với Trung tá để phản ánh về việc tôi không viết thư về nhà cho mẹ. Lúc ấy, Trung tá nói: "Cậu có nhìn thấy cái bàn làm việc trước mặt đó không?".

"Thưa có".

"Trong ngăn kéo kia có giấy và bút, cậu hãy lập tức ngồi xuống bàn, lấy giấy bút ra viết thư cho mẹ mình đi".

"Vâng, thưa ngài".

Sau khi viết xong một bức thư khá ngắn, tôi lại đứng dậy trước mặt Trung tá.

"Kể từ hôm nay, tôi lệnh cho cậu mỗi tuần đều phải viết thư về cho mẹ ít nhất một lần, rõ chưa?".

Tôi tuân lệnh và làm theo.

Khoảng ba mươi lăm năm sau, mẹ của tôi sức khoẻ đã yếu đi nhiều, tôi phải đưa bà vào viện. Khi sắp xếp hành lí cho bà, tôi chợt thấy một chiếc hộp bằng gỗ cũ kĩ. Dưới đáy hộp có rất nhiều bức thư được sắp xếp cẩn thận và buộc lại với nhau bằng một sợi dây rất đẹp.

Đó chính là những bức thư tôi gửi về cho mẹ theo lệnh của Trung tá trong thời gian tôi còn ở Philippines. Và thế là suốt buổi chiều hôm ấy, tôi ngồi đọc từng bức thư, nước mắt tôi cứ lăn dài xuống hai gò má. Cuối cùng tôi hiểu ra rằng, khi còn trẻ tuổi, chỉ vì lười viết thư mà tôi đã để mẹ phải chờ đợi lo lắng như thế nào.

Chỉ đến thời khắc ấy, tôi mới nhận ra. Đối với mẹ, điều đó có thể là đã muộn nhưng với tôi thì việc nhận ra ấy vẫn có tác dụng.

Đến bây giờ, tôi cũng không cần đợi đến khi cấp trên phải nhắc nhở, ra lệnh mới viết thư về cho người thân của mình nữa.

..........Suy ngẫm:

Người mà phải để người khác nhắc nhở mới biết quý trọng tình thân thì khi đã hiểu ra, trong lòng sẽ có chút xấu hổ. Tình thân là tình cảm mà mãi mãi chúng ta không bao giờ được phép quên, bởi nó luôn ở bên cạnh ta, giúp ta vượt qua mọi trở ngại khó khăn trong cuộc sống, là điều quý giá nhất đối với mỗi con người.

Mỗi Ngày Nên Chọn Một Niềm VuiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ