Chương 24. Cùng thuyền

6 2 0
                                    

Đúng ngày hăm sáu, Từ Diễm nói sao làm vậy, đích thân lên Công Chính đường xem Tạ Bằng Cử thụ lý vụ án Thôi Sĩ Hiền. Vốn hắn định tới lui kín đáo nhưng có tay lính canh nhận ra hắn, liền chạy vào trong bẩm báo. Tạ Thị lang biết chuyện hắn đối chất với đám nho sinh kích động, bảo vệ danh tiếng của Tam Pháp Ty nên rất hồ hởi mời vào thăm hỏi, còn định dành một ghế trong hàng thơ lại để hắn dự thính. Song, Từ Diễm hết sức từ chối rồi đứng lẫn với đám đông dân chúng đến xem.

Viên Thủ Trung hay tin, xế chiều đón gặp hắn ở đầu ngõ Thạch Khê, cả hai cùng vào nhà họ Từ. Từ Tuyển tự tay đong nước hãm trà bưng lên mời khách, sau đó biết ý cáo lui. Viên Thủ Trung thấy vậy, mỉm cười bảo: "Thằng Hi nhà tôi hễ thấy khách lạ thì kiếm cớ lẻn đi, gặp người quen mới sấn tới vòi quà chứ có ân cần tiếp rước được như cậu Tuyển đâu. Thái bộc phải mát lòng mát dạ lắm."

Qua một tuần trà, y rút từ trong tay áo ra một cuộn sớ trao cho bạn quan. Tờ sớ còn thơm nước mực, là loại mực được phủ Nội Vụ định kỳ cấp phát đến các nơi trong cung, chưa có con dấu của Nội các, hẳn là vừa mới được chấp bút viết tại công thự chiều nay nhưng chưa nộp lên. Nội dung tấu hặc tội hiệu trưởng trường Văn Thiện Vương Thúc Đạt lơ là trách nhiệm, dung túng kẻ gian gây chuyện bê bối trước tòa Văn Miếu; đồng thời cáo buộc Đại Lý Tự khanh Tào Phụng Quân chậm trễ thưa gửi, đối xử thiên tư.

Từ Diễm cuộn tờ sớ trả lại Viên Thủ Trung. Nếu Ngự Sử đài đã soạn sớ, tám chín phần là đã tìm ra bằng chứng hoặc nắm được đằng chuôi vụ việc. Hắn không nói gì, Viên Thủ Trung bảo: "Vụ án Thôi Sĩ Hiền do Tạ Thị lang thụ lý, ngay sau đó đã chuyển sang cho bộ Hình phụ trách, không còn ở dưới danh nghĩa Tam Pháp Ty. Xưa giờ Tạ Bằng Cử và Tào Trung như nước với lửa, ông ấy muốn toàn quyền điều tra vụ này, ắt không buông tha cơ hội để hạ bệ đối thủ."

Đoạn y hạ giọng: "Chúng tôi đều là người náu chung một mái hiên, không thể không cúi đầu nhường nhau. Ngự sử trung thừa Tiết Quảng vừa mới nhậm chức không muốn tranh chấp với bộ Hình để làm nội bộ Tam Pháp Ty phức tạp hơn..."

Từ Diễm ra hiệu cho bạn quan dừng lời, trấn tĩnh đáp: "Những chuyện anh vừa nói, ta đều hiểu."

Họ làm quan đã lâu năm, những mối tơ nhợ ràng buộc lợi ích và danh tiếng của nhiều người trong đó không cần phải nói ra. Mặt khác, đoàn sứ giả nước bạn đang trên đường lên kinh, họ cũng hiểu bệ hạ không muốn sự kiện Thôi Sĩ Hiền chuyện bé xé ra to, đồn đại truyền ra làm ảnh hưởng đến thể diện quốc triều.

Vài ngày sau, có lẽ tự Tào Trung cũng nhận thấy việc tiếp tục chấp chưởng Đại Lý tự là quá mong manh nên đã dâng sớ cáo tội mình vô năng, xin được cách chức điều ra ngoài. Tạ Bằng Cử vừa hay tin thì kịch liệt phản đối, chỉ ra họ Tào không tránh khỏi trách nhiệm liên đới, buộc ông ấy phải ở yên cho đến khi mọi sự được điều tra ra nhẽ. Dụ Đế rất đỗi băn khoăn: một mặt ngài không muốn Tào Trung phải tội, mặt khác lại không tìm ra cớ để biện bác lý lẽ của Tạ Bằng Cử. Rốt cuộc, Ngự sử trung thừa Tiết Quảng mới được bổ vào thay thế vị trí của Trần Củng đành phải đứng ra hòa giải nội bộ, khuyên nhủ hết buổi thì viên Thị lang mới không khăng khăng nữa.

[Tình trai/Ongoing] Chỉ Trách Người Quá Ung DungNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ