Hồi Thứ Nhất

1K 11 0
                                    

Hồi thứ nhất

Đặng Tuyên Phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung.

Vương Thế Tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín.

Triều Lê Trang tông Dụ hoàng đế (Tức Lê Trang Tông, tên là Duy Ninh (1533-1548). Các chú thích từ đây trở đi đều của người dịch) trung hưng cơ nghiệp ở sông Tất Mã (Tức sông Mã ở Thanh Hoá). Bấy giờ Thế tổ Minh khang thái vương Trịnh Kiểm làm phụ chính, giúp vua dẹp yên được đảng họ Mạc và trở lại kinh đô cũ. Rồi từ đó, họ Trịnh đời đời kế tiếp tước vương, nắm giữ hết quyền bính trong tay, hoàng gia mỗi ngày một suy yếu dần.

Truyền đến đời Hiển tông Vĩnh hoàng đế, niên hiệu Cảnh hưng (1740-1786), thì Thánh tổ Thịnh vương (Tức Trịnh Sâm, mới lên ngôi chúa) chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc; vua Lê chỉ còn biết chắp tay rủ áo mà thôi.

Thịnh vương là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn làm thơ. Sau khi Thịnh vương lên nối ngôi chúa, từ kỷ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa đổi; bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch, đều lần lượt bị dẹp tan, Chúa có cái chí muốn làm bá chủ, nào diệt giặc Trấn Ninh, nào phá bọn Công Chất [đây là hai cuộc khởi nghĩa nông dân lớn ở thế kỷ 18. Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở vùng Thanh-Nghệ, lấy Trấn Ninh làm căn cứ, kéo dài 32 năm (1738-1770). Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở vùng Sơn Nam và Tây Bắc, kéo dài 30 năm (1739-1769)], quân nhà chúa đã đến, không chỗ nào là không thắng. Lúc đó bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, chúa dần dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích.

Một hôm, tiệp dư (Một cấp bực của vợ vua, dưới bậc phi) Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả.

Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quí, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa.

Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.

Chúa có một viên ngọc dạ quang, lấy được trong khi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc. Chúa nói:

– Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát!

Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng:

– Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy?

Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa.

Hoàng Lê Nhất Thống ChíNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ