Hồi Thứ Tám

172 3 0
                                    

Hồi thứ tám

Dương Trọng Tế bị dâng tù trước nhà Thái học

Hoàng Phùng Cơ phải tự tử ở ngoài Tây thành.

Lại nói, sau khi vua đã lập mưu giết Chỉnh, một hôm viên nội hàn là Vũ Trinh có việc riêng vào yết kiến, vua bèn đem việc ấy bảo kín với Trinh, Trinh giật mình, nói:

– Người nào bày cho bệ hạ cái mưu ấy, thần trộm lấy làm nguy hiểm. Hiện nay ở ngoài có giặc mạnh, tin tức ngoài biên ải đang báo về khẩn cấp, ở trong triều đình thì mọi người còn nghi ngờ nhau. Bệ hạ đã dựa vào Chỉnh làm nanh vuốt, thì nên đối đãi bằng cách thành thực, để cho y được vui lòng thần phục. Hễ mà biết cách giá ngự, thì kẻ loạn thần có thể thành kẻ lương thần. Sao lại đón trước sự dối trá của người ta để đoán chừng một việc chưa chắc đã có? Hình tích chưa lộ mà nghi kỵ đã sinh. Họ hàng bè đảng của Chỉnh đều cầm nhiều quân và ở nơi trọng yếu, la liệt trong ngoài, một khi xảy ra biến cố, bọn ở kinh thành sẽ làm việc có hại cho xã tắc, bọn ở các ngoại trấn sẽ chạy theo quân giặc. ấy là mình tự cắt vây cánh của mình để giúp cho kẻ thù vậy.

Vua liền đổi sắc mặt mà rằng:

– Nếu nhà ngươi không nói, thì có lẽ trẫm bị lầm rồi.

Tức thì vua đòi Vi Quý, Xuân Hợp vào quở trách và bảo mau mau thôi ngay việc ấy đi.

Về sau Chỉnh biết chuyện ấy, rất oán vua bạc bẽo và muốn hại ngầm những người bày ra mưu đó.

Chỉnh bảo với viên tướng bộ hạ là Nguyễn Như Thái rằng:

– Ta đi khắp bốn biển, không kẻ nào dám ngó thẳng vào mặt ta. Mấy thằng học trò chưa thông hiểu việc đời ấy là cái thá gì mà dám cả gan như vậy? Chờ khi nào ta xuất quân đánh giặc, sẽ đem chúng để thử gươm xem có sắc không, rồi tống cổ chúng xuống âm ty cho chúng gây chuyện với Diêm Vương.

Thái hỏi người nào, Chỉnh trả lời:

– Chính là Ngô Vi Quý và Lê Xuân Hợp, bọn bề tôi thân cận của nhà vua đấy!

Từ đó, Chỉnh cứ ở luôn trong dinh thự riêng, không vào triều yết. Mọi việc quân, việc nước, đều sai người vào tâu. Vua có ý kiến nên chăng thì lại sai các đại thần như bọn Phan Lê Phiên, Trần công Xán, Vũ Trinh đến dinh của Chỉnh để biện bạch cho rõ.

Một hôm, trời rất rét, bọn Phiên ở trong triều, cử Trinh tới nhà Chỉnh.

Trinh người làng Xuân Liên, huyện Lang Tài, nổi tiếng là người có tài và nhanh nhẹn, Chỉnh cũng có ý kính mến. Vua thường dặn Trinh nếu có dịp thuận tiện thì nên biện bạch với Chỉnh về chuyện hiềm nghi trước đó.

Hôm ấy, Trinh đến nhà Chỉnh là để phúc tư về việc quân, ngồi chờ trên linh các mãi không được vào. Một viên công sai nói với Trinh.

– Thượng công đang ở nhà trong uống rượu không phải là giờ tiếp khách, quan lớn hãy về đã.

Trinh nói to lên rằng:

– Việc quân khẩn cấp, không thể báo chậm. Thượng công ngồi chơi, chỉ cách hai tấm cánh cửa, mà tắc tịt không thông; trên nhà dưới nhà mà xa nhau hơn hai ngàn dặm, thế là cớ làm sao? Tôi có việc công đến đây không phải là để gặp riêng, về cũng không được!

Hoàng Lê Nhất Thống ChíWhere stories live. Discover now