Hồi Thứ Mười Sáu

100 2 0
                                    

Hồi thứ mười sáu

Tế Linh đường, sứ Thanh bị lừa

Chết Yên Kinh, vua Lê nuốt hận

Lại nói, vua Quang Trung toan lập mưu đánh Trung Quốc, đêm ngày bàn bạc với các tướng tá, họ đều nói:

– Nên kê sổ dân cho đúng để kén quân lính, đó là việc cần kíp ngày nay.

Vua Quang Trung lấy làm phải, bèn hạ lệnh cho các trấn phải đốc thúc các xã sửa lại sổ đinh, phát "tín bài" (thẻ làm tin) để thống kê dân chúng vào sổ, rồi cử người coi sóc xét hỏi. Tổng trưởng các huyện có nhiều người vì cố tình giấu giếm mà bị chém. Việc đi lại trên đường, nhân dân đều lấy làm khổ. Viên phân tri ở các huyện nhóm họp số dân đã ghi trong sổ lại, chiếu sổ cấp cho mỗi người một cái thẻ; giữa thẻ in bốn chữ triện "Thiên hạ đại tín" (niềm tin lớn của thiên hạ), bốn mép chung quanh thì viết họ tên quê quán của những người có thẻ và in dấu ngón tay trỏ bên trái để làm bằng cứ. Mọi người đều phải đeo thẻ ấy, gặp khi xét hỏi thì đưa ra trình; đó gọi là "tín bài". Ai không có thẻ, tức là dân lậu, sẽ bị bắt đem sung quân (bị đày đi các nơi biên giới xa xôi để làm lính thú) và bắt tội các người tổng trưởng, xã trưởng của họ.

Sổ đinh thành rồi, vẫn theo lệ ba đinh bắt một người lính. Lại sai các viên phân quản đem quân đến các xã vây bắt, tra xét. Vì thế, dân gian nhốn nháo, nhiều người lẩn trốn vào các khe núi.

Có người ở làng Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, tên là Trần Phương Bính (nhiều sách chép là Trần Danh Bính), nguyên là con viên tiến sĩ đời Lê xưa là Trần Danh Tố, không chịu đeo thẻ. Trấn thủ Nguyễn Diệu khen và tha cho không bắt tội.

Bính là một người bản tính thông minh nhanh nhẹn, lại sẵn có khí tiết, thường làm thơ để tỏ chí của mình, có hai câu rằng:

Tim gan chất chứa hờn trời đất,

Mặt mũi đành trơ với tháng ngày.

Về sau, các cống sĩ và các hào mục địa phương họp quân ở làng Nga Khê, huyện Thiên Lộc, định đánh úp thành Nghệ An. Họ bèn suy tôn Bính làm quân sư. Bọn Bính kéo quân đến xã Bình Lãng, ven núi Hồng Lĩnh để đánh nhau cùng quân Tây Sơn. Bị thua trận, Bính liền trèo lên đỉnh núi cao nhất của núi Hồng Lĩnh, tự tay đề một bài thơ vào vách chùa ở đó như sau:

Đền nước không còn chước,

Bên mình có mũi dao.

Ngoái cổ nhìn Hồng Lĩnh.

Chín mươi chín đỉnh cao.

Rồi Bính lấy dao đâm thọc vào bụng mà chết; quân dân nghe tin, ai cũng thương xót.

Lại nói, vua Quang Trung, sau khi quyết định việc đánh Trung Quốc, bèn sai bề tôi là Chiêu viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh, dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Điều đó không phải là bản tâm của vua Quang Trung, chẳng qua chỉ muốn thử xem ý nhà Thanh ra sao mà thôi. Nhưng vừa lúc ấy thì vua Quang Trung bị bệnh rồi mất. Hôm đó nhằm ngày mùa thu, tháng tám năm Nhâm Tý (về tháng vua Quang Trung mất, có một vài tài liệu chép là tháng 9. Nhưng theo sự chứng minh rất xác đáng của ông Hoàng Xuân Hãn (La Sơn phu tử, tr. 158-160), dựa vào sách Đại Nam thực lục và tài liệu của các giáo sĩ phương Tây đã chép lúc đương thời, thì vua Quang Trung đã mất vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792). Cũng theo ông Hoàng Xuân Hãn, thì việc Hoàng Lê nhất thống chí chép mất vào tháng 8 như ở đây cũng không hẳn là sai; vì theo sách lịch Tây Sơn đương thời, tháng 7 năm Nhâm tý là tháng thiếu, ngày 29 lại là ngày cuối tháng, mà vua Quang Trung lại mất vào khoảng nửa đêm, như thế thì chép tháng 7 hay tháng 8 cũng chỉ chênh nhau chừng nửa giờ mà thôi), sau khi lên ngôi hoàng đế được 5 năm. Trước đó, khi sứ nhà Thanh sang phong, vua Thanh có ban cho vua Quang Trung chiếc áo màu, trong thêu bảy chữ bằng kim tuyến: Xa tâm chiết trục đa điền thử (câu này nghĩa đen là: "Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng". Theo Hán văn, chữ xa với chữ tâm hợp lại thành chữ Huệ tên vua Quang Trung. Chuột thuộc về tý. ý nói năm tý vua Quang Trung chết). Bấy giờ không ai hiểu ra sao, thì ra đến lúc này mới nghiệm.

Hoàng Lê Nhất Thống ChíWhere stories live. Discover now