Chương 1

211 4 0
                                    

Mồng chín tháng 8, năm 1939, bố tôi, nòi giống của một tên thổ phỉ hơn mười bốn tuổi: ông theo đội du kích của Tư lệnh Từ Chiếm Ngao - người sau này trở thành anh hùng lừng danh thiên hạ - đi tới đường Giao Bình để phục kích đoàn xe quân Nhật. Bà tôi khoác áo kép tiễn họ ra đầu thôn. Tư lệnh Từ nói: "Đứng lại!". Bà tôi đứng lại. Bà tôi bảo bố tôi: "Đậu Quan, hãy nghe lời bố nuôi con nhé!". Bố không nói không rằng, ông nhìn tấm thân cao to của bà tôi, ngửi thấy thùi thơm nóng hôi hổi bốc ra từ chiếc áo kép bỗng cảm thấy lạnh ghê người, ông rùng mình, bụng cồn cào khó chịu. Tư lệnh vỗ vào đầu bố tôi nói:

- Đi con nuôi ơi?

Đất trời mờ mịt, cảnh vật lấp loáng, bước chân rầm rập của đội quân vang rất xa. Mây mù trắng xanh che mất tầm nhìn của bố, chỉ nghe thấy tiếng chân bước mà không thấy hình bóng đội quân đâu cả. 

Bố níu chặt áo Tư lệnh Từ, hai chân chạy lập chập. Bà tôi như bến bờ ngày một xa dần,mây mù như nước biển càng gần càng thấy bát ngát, bố nắm chặt lấy Tư lệnh Từ như nắm lấy mạn thuyền. 

Thế rồi bố trở thành tấm bia đá xanh không khắc ghi tên tuổi đứng sừng sững ở cánh đồng cao lương rực đỏ của quê hương. Cỏ khô trên mồ ông đã vàng úa, từng có chú bé cởi truồng đắt một con sơn dương trắng muốt đến đây, sơn dương thong thả gặm cỏ trên nấm mộ, chú bé đứng trên tấm bia đá, giận dữ đái một bãi, rồi cất cao giọng hát: 

Cao lương đỏ, 

Quân Nhật đen. 

Đồng bào chuẩn bị xong,

 Súng lớn, súng nhỏ đều bắn. 

Có người nói chú bé chăn sơn dương chính là tôi, tôi không biết có phải là mình không. Tôi từng yêu quê hương Đông bắc Cao Mật đến cực điểm, đã từng căm thù quê hương Đông bắc Cao Mật đến cực điểm. Sau này lớn lên cố gắng học tập chủ nghĩa Mác, tôi mới hiểu được rằng: quê hương Đông bắc Cao Mật, không còn nghi ngờ gì nữa, là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất; siêu thoát nhất, thế tục nhất; trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất; anh hùng hảo hán nhất; đểu giả mất dạy nhất; giỏi uống rượu nhất; biết yêu đương nhất, ở trên trái đất này. Những người đồng hương của bố tôi sống trên mảnh đất này rất thích ăn cao lương ( Một loại giống như kê, trồng Ở vùng Đông bắc Trung Quốc. Có thể nấu ăn, có thể nấu rượu. (ND), hàng năm đều trồng rất nhiều. Tháng tám mùa thu, cao lương bạt ngàn đỏ như biển máu mênh mông. Cao Lương huy hoàng, cao lương thê thảm, cao lương yêu thương. Gió thu hiu hắt, ánh dương chói chang, từng đoá mây trắng trôi bồng bềnh trên bầu trời xanh biếc, bóng đỏ tía của những đám mây trắng rung rinh trên cao lương. Từng đoàn người mặc áo đỏ sẫm chạy đi chạy lại trong cây cao lương. Mấy chục năm như một ngày. Họ giết người cướp của, nhưng lại tận trung báo quốc. Họ diễn từng màn vũ kịch anh hùng bi tráng khiến lũ con cháu còn sống chúng tôi cảm thấy không sao theo kịp. Đồng thời với việc tiến bộ, tôi thực sự cảm thấy có sự thoái hoá về nòi giống.

Sau khi ra khỏi làng, đoàn quân đi trên đường đất nhỏ hẹp, trong tiếng chân người đi chen lẫn tiếng lao xao của cỏ cây bên đường. Mây mù dày đặc, thay đổi linh hoạt. Trên mặt bố tôi, những hạt nước lấm tấm đọng lại thành từng giọt to. Một búp tóc của bố dính bết vào da đầu. Mùi bạc hà hăng hắc bay ra từ ruộng cao lương ven đường và mùi ngòn ngọt chan chát bay ra từ vạt cao lương đã chín, bố tôi ngửi đã quen, không lạ gì. Lần này hành quân trong sương mù, bố ngửi thấy một mùi tanh mới lạ. Mùi vị thoang thoảng bốc ra từ đám bạc hà và cao lương gợi lên trong tận đáy lòng ông một hồi ức. 

Cao Lương Đỏ - Mạc NgônWhere stories live. Discover now