Chương 5

45 4 0
                                    

Khi bà tôi vừa tròn mười sáu tuổi, cụ tôi bèn gả cho Đơn Biển Lang đứa con một của một tài chủ nồi tiếng tên là Đơn Đình Tú ở quê hương Đông bắc Cao Mật. Nhà họ Đơn chuyên nghề nấu rượu bằng nguyên liệu cao lương giá rẻ, rượu chất rất ngon, nổi tiếng khắp vùng hàng trăm dặm. Địa thế quê hương Đông bắc rất trũng, thường bị nước mưa thu tràn ngập, giống cây cao lương thân cao,chống được úng, được trồng ở khắp nơi, năm nào cũng được mùa. Sở dĩ nhà họ Đơn giàu có nhất vùng, là vì giá cao lương quá rẻ. Bà tôi lấy được Đơn Biển Lang là niềm vinh hạnh của cụ ngoại tôi. Bấy giờ, có biết bao nhiêu người mơ ước được kết hôn với nhà họ Đơn, mặc dù có tin đồn Đơn Biền Lang mắc bệnh hủi. Đơn Đình Tú là một lão già nhỏ thó, khô không khốc, đằng sau gáy vắt vẻo một cái đuôi sam nhỏ cũng khô không khốc. Nhà ông ta tiền bạc đầy rương mà ăn mặc lại rách rưới, lại còn buộc một cái giây rơm ngang bụng nữa chứ! Bà tôi làm dâu nhà họ Đơn là do trời định. Hôm ấy bà tôi đang chơi vui vẻ với các thiếu nữ tóc dài, chân nhỏ ở bên cạnh cột đu. Hôm ấy là tiết thanh minh, đào hồng liễu xanh, mưa bụi phất phơ mặt ai nấy đều nở đẹp như hoa vì là con gái được giải phóng. Bà tôi lúc ấy cao một mét sáu mươi nặng sáu mươi kg , mình mặc chiếc áo vải ngoại hoa nhỏ, chiếc quần lĩnh màu xanh, cổ chân quấn khăn lụa màu đỏ thẫm. Do mưa bụi, bà tôi đi đôi hài hoa đã được tẩm hơn chục lần bằng dầu cây đồng, bước đi kêu sột soạt. Phía sau gáy là chiếc bíu tóc to đen bóng, cổ đeo một chiếc xuyến bạc khá nặng. Cụ ông tôi là thợ kim hoàn mà. Cụ bà tôi là con gái một địa chủ sa sút, cụ biết rằng chân nhỏ có ý nghĩa to lớn đối với người con gái như thế nào. Bà tôi chưa được sáu tuổi đã bắt đầu bó chân, mỗi ngày bó một chặt. Một mảnh vải dài hơn một trượng, cụ bà tôi dùng để bó chặt lấy chân bà tôi, làm cho các ngón chân không phát triển được, trông rất thảm! Mẹ tôi cũng chân nhỏ, mỗi lần nhìn thấy chân mẹ, lòng tôi đau đớn, những muốn hét lên: "Đả đảo chủ nghĩa phong kiến! Chân người được tự đo muôn năm!". Bà tôi chịu hết cực khổ, cuối cùng bó thành gót sen vàng ba tấc (ba tấc kim liên). Mười sáu tuổi năm ấy, bà tôi đã nở nang đầy đặn, xinh đẹp khi đi hai tay vung vẩy, thân eo lắc la lắc lư như cây dương liễu bị gió thổi. Hôm ấy, Đơn Đình Tú xách một giỏ phân đi qua thôn của cụ ngoại tôi, trong nhiều loại hoa, ông ta thấy' vừa ý' bà tôi. Ba tháng sau, một chiếc kiệu đã đón bà tôi đi.

Bà ngồi mãi trong kiệu hoa buồn bực, mắt hoa đầu váng. Mảnh vải đỏ trùm đầu cho mát mắt bà tôi, vải hoa bốc ra mùi mốc rất khó chịu. Bà giơ tay vén tấm vải đỏ ra - Cụ bà tôi dặn đi dặn lại, cấm bà không được vén tấm vải đỏ trùm đầu - một chiếc kiềng bằng bạc tuột xuống cổ tay, bà nhìn thấy hình con rắn chạm ở trên chiếc kiềng, lòng dạ rối như tơ vò. Gió ấm thổi vào những cây cao lương xanh biếc mọc ở hai bên đường đất hẹp. Tiếng chim gáy kêu cúc cu từ ruộng cao lương vọng lại Phấn hoa cao lương màu bạc toả ra mùi thơm thanh khiết. Trên tấm rèm kiệu che trước mặt bà thêu những con rồng, con phượng, mảnh vải đỏ trên rèm do cho thuê nhiều năm nên đã phai màu xỉn lại, ở giữa loang lổ một vết dầu to tướng. Cuối hạ đầu thu, ánh nắng bên ngoài kiệu chói chang, bọn phu khuân kiệu bước đi nhịp nhàng khiến cho chiếc kiệu cũng lắc lư theo, dây da bò chưa thuộc buộc kiệu kêu cót két, rèm che kiệu nhè nhẹ rung rinh, từng chùm tia sáng và từng làn gió mát lọt vào trong kiệu. Người bà đầy mồ hôi, tim đập như gõ trống, lắng nghe tiếng bước chân nhịp nhàng và tiếng thở nặng nề của phu khuôn kiệu, ở trong đầu bà hiện ra một cảm giác lúc thì lạnh lùng trơn nhẵn như đá sỏi, lúc thì nôn nóng cồn cào như sát ớt.

Cao Lương Đỏ - Mạc NgônWhere stories live. Discover now