Chương 3: LỤC HẢI (*)

1.4K 19 1
                                    

Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc tuần phủ và việc liêm sát, đốc xuất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan Huyện úy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh phó hai dinh, chuyên coi việc cấm phòng, xét hỏi.

Song đất kinh thành đông đúc, nhà cửa ở liền nhau, thường có hỏa hoạn, lại nhiều những kẻ đầy tớ nhà quan, du đãng cờ bạc, gây chuyện đánh nhau, cùng là những kẻ vô lại trộm cắp, nhiều lắm không thể kể xiết được, chẳng khác gì lục hải khi xưa.

Đời Trịnh An Vương (1), Nguyễn Công Hãng làm thượng thư cầm quyền chính, mới chia hai huyện ra làm tám khu, mỗi khu đặt một người trưởng khu và một người phó khu; lại chia ra năm nhà là một tị, hai tị là một lư, mỗi lư cũng có một lư trưởng, bốn lư là một đoàn, một đoàn đặt một quản giám, hai quản điểm, dưới quyền người khu trưởng và trực thuộc quan Đề lĩnh.

Đó là phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau. Phàm những việc phòng hỏa phòng trộm, và nhất thiết những việc giao dịch thuế má đều ủy trách cho khu trưởng, đoàn trưởng cả. Bởi vậy, những con nhà quan coi thường, không thèm làm, chỉ để những côn đồ trong các xóm chợ làm. Bọn chúng cùng những kẻ ti thuộc quan Đề lĩnh thông nhau làm càn, rất nhiễu cho dân phố.

Ôi! Sinh nhất sự bất như trừ nhất hại, (thêm ra một việc không bằng bớt đi một tai hại) lời nói ấy rất đúng.

Theo lệ cũ, chốn kinh thành không phải chịu thuế dung, thuế điệu (2), chỉ tính từng dẫy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền cắm cờ tướng, dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc. Họ phải thay phiên nhau sắm đủ giây đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc, thùng gánh nước để theo quân quan Đề lĩnh đi túc trực các nơi điếm canh, phòng khi sai khiến; công việc rất là phiền nhiễu. Song tóm lại là không tiền không xong, chỉ làm nặng túi kẻ gian giảo.

Tuy bảo: “bồi đắp gốc rễ, ngăn chặn ngọn cành”, tức là “phòng gian giữ dân”, nhưng cũng không phải là biện pháp tốt của đời thái bình.
_______

(*) Lục hải nghĩa là biển cạn, nơi lục địa có đủ các sản vật ví như biển cả không thiếu thứ gì: sách Hán thư gọi là lục hải của thiên hạ; ở đây ý nói kinh thành.

(1) An đô vương, Trịnh Cương (1709 – 1729) là Chúa đời Vĩnh Thịch, Lê Dụ Tông.

(2) Dung là thuế lực dịch, tức như thuế sưu. Điệu là thuế hộ, tức như thuế vải lụa.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Where stories live. Discover now