Chương 40: XỨ HẢI DƯƠNG

116 6 2
                                    

Xứ Hải Dương đời cổ là Hồng lộ và Sách Giang lộ, khi thuộc Minh là phủ Nam Sách, đến đời trung gian (1) mới đặt ra bốn phủ là: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn và Nam Sách, tổng cộng mười tám huyện, đại khái sự thay đổi xưa nay là như thế. Ta thường xét bốn phủ Hải Dương, đất rộng người nhiều, đời cổ chỉ phân làm hai lộ hoặc một phủ, lớn nhỏ không đều nhau. Xét mãi chưa biết nghĩa lý ra thế nào. Hoặc có người nói rằng: đời trước chia ra các quận huyện rất lớn, như làng Từ Liêm đời Hán tức là mấy huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thọ Xương, Quảng Đức, Thanh Trì, Thanh Oai và Thượng Phúc đời nay.

Đời Trần đời Lý, gọi là Uy lộ tức là phủ Quốc Oai và một nửa phần phủ Thường Tín và phủ Ứng Thiên (2) đời nay. Đời Minh gọi là phủ Thanh Hóa, tức là xứ Thanh Hóa thừa tuyên bây giờ, chia làm bốn phủ. Xem thế thì biết địa thế cổ kim phân hợp lớn nhỏ, mỗi đời một khác. Thế thì xứ Hải Dương ta khi xưa chỉ là hai lộ hoặc một phủ, cũng chẳng lấy gì làm ngờ.

Nhưng xét lại từ đời Lý khi xưa, còn một nửa phần từ Thuận Hóa trở vào chưa thuộc về nước ta. Đến đời Trần mới gồm lấy được đất Thuận Hóa. Còn các phủ về Quảng Nam, đến đời Lê Hồng Đức mới chiếm đặt làm quận huyện. Xem thế thì bờ cõi đời Lý, đời Trần, so với đời nay chỉ vào độ bảy, tám phần. Thế mà chia cả toàn quốc làm hơn mười lộ, xứ Hải Dương chỉ làm hai lộ, là một điều đáng ngờ.

Lại như khi thuộc Minh, cõi nước phía nam đến tận phủ Thăng Hoa, xét trong bản đồ mười lăm xứ thừa tuyên đời Hồng Đức, chỉ còn một nửa phần xứ Quảng Nam thừa tuyên là chưa mở mang đến. Trương Phụ, Hoàng Phúc khi ấy lại chia nước ta ra làm mười bảy phủ, mà xứ Hải Dương ta chỉ là một phủ, đó là hai điều đáng ngờ. Huống chi các đạo Sơn Tây, Kinh Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam, còn nhiều phần núi rừng lẫn lộn, ở đời cổ, còn có chỗ là làng xóm của người Mán người Mọi, hoặc còn là bờ cõi về phần nước khác, sau này mới dần dần mở mang thu vào bản đồ. Tựu trung những nơi địa thế bằng phẳng, non sông rộng rãi, sớm được tiếp cái giáo hoa nhà Minh, nhà Thanh, văn vật cũng chưa được mấy. Thế thì cái chế độ bờ cõi trước còn thô sau mới tinh, trước còn lược sau mới tường được.

Xứ Hải Dương ta, đất cát nhiều nơi sỏi đá, ít có lợi sông nước chuôm chằm, so với các trấn khác thực kém nhiều. Nhưng được cái địa thế phẳng mà mạch sơ, nước chua mà hơi lạt, nguyên không phải là cõi lam chướng. Từ đời Tần, Hán trở xuống, xứ Hải Dương ta đã cùng với đất Long Biên, quận Phong Thủy (3), đều được nhiễm cái phong hóa Hoa Hạ (4), thế mà bỡ cõi phân hợp khi lớn, khi nhỏ, còn có điều khả nghi như thế. Ta sinh trưởng ở đất ấy, học vấn cổ lậu, lại gặp buổi đời cải cách, sách vở tan nát, không thể kê cứu vào đâu được, nên vẫn ân hận rằng không được gặp các cụ khi xưa như cụ Tiều Ẩn, cụ Quế Đường (5) để mà chất vấn.

Những quận huyện nước ta xưa nay thay đổi, mỗi lúc một khác. Xét như cái phép trong thiên Vũ cống, cứ lấy tên núi sông để gọi tên đất, thì không hợp được hết cả. Chỉ có xứ ta mà gọi là Hải Dương thì hình như có ý nghĩa như thế. Cứ xem bản đồ trong nội phủ thì hai phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng là nơi đồng bằng rộng rãi, chỉ có những huyện Thủy Đường, An Lão, An Dương, Nghi Dương thuộc về phủ Kinh Môn và huyện Quang Minh (?) thuộc phủ Nam Sách là những nơi đất liền với bể đông. Nhưng có một giải bể đông vòng quanh ở phía ngoài, tuy rằng có giao thông triều củng (6) nhưng so với những xứ Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An vòng quanh những đất ruộng nước mặn thì khác nhau xa. Vả cổ nhân cho nơi nào ở về phía nam có núi, phía bắc có sông thì mới gọi là dương. Xứ Hải Dương ta ở về phía tây bể đông mà gọi là dương thì không phải. Còn về phía nam liền cõi với các huyện xứ Sơn Nam đều là đồng bằng cả, sao lại gọi là hải? Ta từ khi lớn lên đi học vẫn có ý nghi ngờ về cái nghĩa ấy mà không xét ra được.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ