Chương 13: BÀN VỀ ÂM NHẠC

330 6 1
                                    

Sách Lễ ký nói rằng âm nhạc hợp với hòa khí trong trời đất, thế thì âm nhạc cũng rất quan hệ. Đời thượng cổ đã chế ra lục luật, lục lã, ngũ thanh, bát âm, đến đời nhà Chu thì đầy đủ hơn. Nhà Tần dấy lên đốt mất Kinh Nhạc. Vua Cao tổ nhà Hán không chuộng văn học, Thúc Tôn thông, Thích phu nhân chỉ bịa ra những tiếng dâm tà, thô tục để nịnh nhà vua. Cổ nhạc từ bấy giờ không còn biết dựa vào đâu mà lý hội được nữa. Song, òng họ Cổ Tập nổi tiếng (1) những nhà nghề âm nhạc vẫn còn giữ được chức nghiệp. Dẫu không biết hết được cái ý chế tác của cổ nhân, nhưng âm thanh, tiết tấu vẫn chưa biến mất. Trong những kẻ trí tuệ, họa hoằn có người dò biết được cái mối thừa, như là tiếng đàn gỗ vông của Bá Di, Tiêu Vĩ (2), khúc hát Ngư Dương của Chính Bình, khúc đàn Quảng Lăng của Kê Khang, khúc sáo Tam lộng của Hoàn Y, đó đều là những âm nhạc ai nghe cũng lấy làm khoái trá. Về sau, học giả thất truyền, sai mất cả bản lĩnh. Ống khống hầu thì tiếng bi phẫn, đàn tỳ bà thì giọng ai oán, lại Bộ ha thêm những tiếng kèn hồ, trống rợ, thì hăng hái khích liệt quá.

Đến cuối đời Tấn, Ngụy, rợ Chi Khương lấn đất Trung nguyên, thanh âm của Trung Hoa chỉ còn ở phía Giang tả. Nhưng khốn nỗi, về đời Tống, Tề thì tản mạn, đời Trần (3), Lương thì dâm bạc, đời Tùy lại dâm loạn tệ hơn. Đến đời Đường mới sai Tổ Hiếu Tôn định nhã nhạc, chép ở trong sách Đường chí có 60 điệu, 84 thanh, cũng hơi đủ cái lệ năm chính, hai biến. Song những khúc Đại thực, Quy từ thì lẫn cả tiếng rợ mọi, những điệu Thiên lữ (4) thì động đến đạo quỷ thần, còn những đồ nhạc khí thì lẫn lộn nửa Hồ nửa Hán, không được hoàn toàn. Truyền về sau lại đặt ra khúc Võ Mị Nương, Tang Điều Vĩ (5), Tử Vân Hồi, Vũ Lâm Ly cùng là những khúc âm nhạc Thiên trúc, Sơ lặc, những bài từ Sắc kê, Khuất thác, không thể kể xiết được.

Chính thanh đến đấy không còn gì nữa. Đến đời Ngũ Quí (6) gặp buổi binh đao loạn lạc, họ Da Luật (7) cướp sạch cả những sách vở của các đời ghi chép về khoa âm nhạc. Nhà Sài Châu mới sưu tầm lại, nhưng cũng không được đủ. Vua Thái Tổ, Thái Tôn đời nhà Tống không lưu ý gì đến âm nhạc. Những nhà bàn làm nhạc, hoặc kẻ thì chắc bằng về ống ngọc địch, hoặc người thì chuyên chú về nghề thổ khuê (8), người thì bảo theo thước cổ, kẻ thì bảo theo thước kim, không biết nên theo đường nào. Sách Nhạc Chí, Nhạc Thư, mỗi sách chép một khác. Lại như cách phân cự ly theo bằng hạt gạo nếp, cái lỗ tròn chặn theo như lỗ đồng tiền Chu Nguyên (9) Thông Bảo, thì ông Hồ Viên, ông Phạm Trấn lại khảo cứu mỗi người một khác. Bảo Thường, Hán Tân chế ra những khúc quái lạ, càng suy xét bao nhiêu càng làm cho sai đi bấy nhiêu. Các bậc tiên nho như Chu, Trình, Trương, Thiệu (10) lại không được dùng thí nghiệm, dẫu có sách Cửu phong tân thư nói về nhạc, nhưng có người bác đi, thành ra bàn về nhạc mà không khác gì bàn về việc kiện, chỉ cãi lý nhau mãi. Thanh âm nước Nam ta khác với Trung Hoa. Đời Lý, đời Trần, tập tục hãy còn chất phác. Triều đình có tẩu quốc nhạc cũng chỉ là truyền tập, mỗi thứ tiếng đi một đàng, chứ không theo dịp với nhau.

Khoảng năm Hồng Đức (1470 - 1497) nhà Lê, trên có vua Thánh Tông là bậc thông minh, lại có các quan đại thần là các ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh là bậc học vấn uyên thâm, làm quan tại triều, mới kê cứu âm nhạc Trung Hoa hiệp vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ: Đồng Văn và Nhã Nhạc. Bộ Đồng Văn thì chuyên tập âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã Nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh, trọng về tiếng hát, đề thuộc quan Thái thường coi cả. Đến như âm nhạc chốn dân gian thì đặt Ty giáo phường coi giữ. Nhã nhạc với tục nhạc không hỗn hợp với nhau. Song không có quan chuyên chức, điển cố không còn giữ được mấy. Đến năm Quang Hưng (1578), vua Lê (11) chỉ còn là hư vị ngồi suông. Bộ Đồng Văn hay bộ Nhã Nhạc chỉ khi nào có lễ tế giao hay có lễ triều hạ (12) gì lớn, mới dùng đến.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ