Chương 39: Y HỌC TRUNG HOA

155 4 0
                                    

Khoa y học khởi thủy từ đời Viêm Đế, Hoàng Đế, lại có Lôi Công, Ký Bá phò tá thêm vào. Các đấng thánh nhân đời xưa lo lắng bảo vệ sinh mạng cho nhân dân rất là chu đáo. Tự đời trung cổ trở xuống, các bậc danh y xuất hiện cũng lắm, làm ra sách vở càng ngày càng nhiều, nhưng đại lược chẳng qua có tám kinh, tám vĩ mà thôi. Tám kinh là: châm, biếm, chích, thang, hoàn, tán, cao, đồ. Bệnh ở ngoài da thì dùng thuốc cao, đồ; bệnh ở trong kinh lạc, tạng phủ, sâu thì dùng phép châm, biếm, chích; cạn thì dùng thuốc thang, hỏa tán. Trong tám kinh ấy, muốn dùng còn phải cân nhắc châm chước cho khéo. Tám vĩ là: vọng, văn, vấn, thiết, công, bổ, bình, tán. Vọng là xem thân thể diện mạo; văn là nghe tiếng nói hơi thở; vấn là hỏi tường tận nguyên úy; thiết là án xem cho biết mạch lạc; công là công kích cái bệnh chứng hăng quá; bổ là bồi bổ cái khí huyết yếu kém; bình là cái gì thiên lệch thì bình lại cho ngay; tán là chỗ nào uất kiết thì tản đi cho thông. Đó là tám kinh, tám vĩ, kể cả là mười sáu điều, không thể thiếu điểm nào, mới có thể làm được lương y. Còn như phép cắt da, nạo xương, tẩy dạ dày, rửa ruột, những cách chữa như thế rất là quyền biến, không phải bậc danh y rất giỏi, không thể bàn đến.

Thầy thuốc nước ta, đời xưa có ông Đổng Tiên, ông Trâu Ý là bậc danh tiếng, nhưng về sau thất truyền. Phép châm biếm ở trong tám kinh, lối vọng văn ở trong tám vĩ, đều bỏ không ai lưu ý đến cả. Còn như phép chích thì không hiểu chính huyệt ở chỗ nào; phép thiết thì không biết mạch lạc đi làm sao, thành ra mười sáu bí quyết về y khoa đã bỏ mất sáu, lẽ sâu kín thì không học, chỉ học được lẽ nông cạn, điều tinh thì quên, chỉ biết được điều thô.

Học thuốc như thế mà muốn cầm mệnh sinh tử, chữa bệnh trầm trọng, cầu lấy ý nghĩa dưỡng sinh của người xưa thì có thể được chăng? Than ôi! Dân sinh ở đầu đời Tam Đại (1) phép giáo dưỡng đã không ra gì, còn phép bảo vệ sinh mạng cũng bỏ nốt. Đấng tiên nho nói "mệnh phó cho trời" thực chẳng nhầm. Nào những đấng hiền nhân quân tử ở đời, mình áo mũ, miệng nhân từ, có nghĩ đến điều ấy cho không? Thương thay! 

Y học bây giờ chia làm hai khoa: nội khoa và ngoại khoa. Trong ngoại khoa lại chia ra làm ba phái: 1 - Phái họ Nguyễn ở Bảo Từ; 2 - Phái họ Nguyễn ở Phù Ninh; 3 - Phái họ Nguyễn ở Vân Lủng; ba phái ấy đều giữ được thuốc gia truyền, thuốc cao, thuốc đồ cũng hiệu nghiệm lắm. Còn thuốc nội ẩm (uống vào trong) thì xưa nay vẫn quen thói dùng thuốc công phạt, tiêu hao quá. Nhưng phép ngoại khoa thì dùng thuốc cao, đồ nhiều, mà dùng thuốc nội ẩm ít, dẫu không được trúng bệnh lắm, song cũng không đến nỗi hại.

Nội khoa thì chia làm hai phái: người chủ mặt trị bổ thì coi các vị đại hoàng, phác tiêu như hằn thù; giá gặp người bệnh hư thì bổ có ích; rủi gặp người bệnh thực lại dùng lầm thuốc bổ vào, thì khác gì lửa cháy tưới dầu thêm; gặp bệnh ngoại cảm mà nhầm cho thuốc bế vào, thì khác gì nước nghẽn lại đem lấp cống, thế thì hại tính mệnh con người ta thậm tệ hơn là thuốc độc. Thầy lang nào chỉ chuyên dùng mặt bổ, lại tự đắc thế mới là vương đạo, không đến nỗi hại người, tức là không biết ăn mãi thịt vào thì càng nuôi to cái khối nhọt hạch trứng ở trong bụng; cầm cái mũi dao mảnh dẻ mà đâm vào xương cứng thì sao vỡ được, chẳng khác gì nhân nghĩa giả của Yển Vương (2), đạo đức gàn của Tương Công (3). Người chủ mặt công tán thì coi các vị nhân sâm, nhục quế như thuốc độc; nếu gặp bệnh thực, bệnh ngoại cảm, mà dùng nhầm thuốc hàn lương, thì khác gì đã rét lại thêm băng vào, hối hận sao kịp được; nếu gặp bệnh hư mà dùng nhầm thuốc công tán, khác gì cầm đuốc ra trước gió, cứu vớt sao cho được nữa. Thế mà thầy lang chỉ chuyện mặt thuốc công phạt, lại tự đắc thuốc để đánh bệnh thì có sợ gì. Họ không biết đem búa rìu mà nện vào cây khô, đưa sóng gió mà xô vào thuyền nát, cứu sao cho được, có khác gì Phi Liêm, Ác Lai (4) giúp vua làm sự tàn ngược, Thân Bất Hại, Thương Ưởng (5) chuyên dùng hình phạt để gây uy danh.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Where stories live. Discover now