Chương 33: KHOA CỬ

178 5 0
                                    

Triều nhà Lý khai khoa, thì có khoa tam giáo, khoa thái học sinh, cũng có cả khoa tiến sĩ. Không những thế, lại còn có lệ tiến cử những người hiền ra làm quan. Đến đời nhà Trần cũng thế; nhưng so với các khoa khác, chỉ có khoa tiến sĩ là chọn được nhiều người hiền tài hơn cả.

Lê tiên triều, từ năm Hồng Đức trở về sau, chỉ chuyên trọng khoa tiến sĩ là khoa chủ yếu để chọn hiền tài. Nhà Mạc cũng làm theo thế. Đời Lê trung hưng khoảng hai trăm năm, những người đỗ khoa tiến sĩ vẫn tự xem mình là bậc thanh cao; còn những kẻ văn tài võ lược làm nên đến công tướng mà không biết tự trọng là bởi tại thế biến.

Đầu đời Trung hưng, có cụ Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần tham mưu chốn cơ mật, từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh. Ông Lương Hữu Khánh, sự nghiệp văn chương cũng xuýt xoát với Phùng công, chỉ vì khi còn ở bên nhà Mạc, bị các quan bộ Lễ làm chủ khảo đè nén, không chịu vào thi Đình, nên không đỗ đại khoa. Đến khi về theo Lê triều, trải qua những chức trọng yếu, thể diện đã tôn rồi, nên ông không thèm ganh đua với các nhà cử tử nữa. Các nhà chép sử nghĩ rằng ông không phải là bậc đại khoa, lược bỏ không chép đủ. Không có gia phả nhà họ Lương và không có các tập dã sử riêng các nhà chép lại thì tên tuổi của Lương công không khéo cũng theo với bọn cựu thần ngồi không ăn hại cùng mai một hết thảy.

Sau này ở Mộ Trạch có ông Võ Duy Chí, ở Thanh Lâm có ông Nguyễn Đình Phái đều là bậc danh thần một thời, mà xem ở trong sử không thấy nói đến một chút sự trạng gì cả. Các người đã đứng tên trong sổ đại khoa vẫn noi theo tập quán cũ, dần dần có cái tệ tự phụ là bậc thanh cao như cuối đời nhà Đường.

Đầu đời Cảnh Hưng, có ông Ngô Thì Sĩ (1) nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội, các khảo quan dò xét, hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau: "Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ", thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi. Trịnh chúa Nghị Tổ (Trịnh Doanh) biết có cái thói tệ ấy, nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy.

Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, vào thi trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển, bảo: " Quyển này, kim văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ". Chấm đến quyển ông Nguyễn Bá Dương, lại bảo nhau: "Quyển này, văn khí mạnh mẽ khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ, nhưng kim văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế". Vì họ hồ đồ, không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng, nên Thì Sĩ mới chiếm hội nguyên.

Khi Trịnh Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) tổng thống quốc chính, có ông Phạm Vĩ Khiêm (2) có tiếng là người văn học giỏi, được chúa biết tên. Nhưng ông ấy khi nhỏ hay khí khái trái ngược với đời, các quan chủ khảo ở Lễ vi hễ thấy quyển thi, đánh hỏng, cũng giống như ông Ngô Thì Sĩ. Khi đã đứng tuổi, học nghiệp càng thâm thúy, văn chương ông đổi hẳn lối cũ.

Khoa thi năm Kỷ Hợi (1779), ông đổi tên là Phạm Nguyễn Du; kỳ đệ nhị có một quyển giọng văn hơi phóng túng, các khảo quan bảo nhau: "Quyển của Vĩ Khiêm đây rồi", bèn cùng nhau chỉ trích đánh hỏng. Thành ra khi yết bảng, vẫn có tên ông. Kỳ đệ tam cũng có một quyển nghi là quyển của ông mà đánh hỏng, nhưng quyển của ông vẫn không sao. Kỳ đệ tứ thì văn ông Phạm Nguyễn Du thuần mà giản dị, văn ông Phạm Quý Thích (3) thì rộng rãi mênh mông, khí cách hai quyển văn không giống nhau. Quan trường nghĩ phê quyển văn ông Phạm Hoa Đường (4) lên đệ nhất. Ông Nguyễn Bá Dương lại trỏ quyển ông Phạm Vĩ Khiêm, người Đặng Điền mà nói rằng: "Quyển này lời văn giản cổ, thâm áo, không phải bậc lão sư túc nho, không làm được, nên để lên trên".

VŨ TRUNG TÙY BÚT Where stories live. Discover now