Thân thương

23 1 0
                                    


khuy

Em Đóa và tôi là bạn, bên nhau được sáu năm, từ mười hai đến mười tám tuổi. Chúng tôi cùng nhau làm được nhiều việc vĩ đại: lớn lên, yêu, và lên kế hoạch có mấy đứa con sau khi cưới. So với những việc như thế, sưu tầm khuy không thể coi là một việc lớn được. Nhưng đến bây giờ, sau bao nhiêu đó thời gian: khi một quá trình trưởng thành thô nhám trầy xước đau khổ vừa mới kết thúc, khi sức lực dùng để yêu một người đã biến mất như viên kẹo hoa quả tan ra vì ngậm trong vòm miệng ấm nóng quá lâu, khi những kế hoạch xa vời là con chim nhỏ tôi nuôi thời ấu thơ, giờ đã bay lượn trong bầu trời của người khác, sau tất cả đó, tôi chợt nhận ra chuyện tưởng như vụn vặt đã in thật sâu vào ký ức mình như một mảng màu tươi sáng.

Tôi nhận thấy, thì ra không phải chỉ có một mình tôi lớn lên, mà câu chuyện về những chiếc khuy của tôi cũng lớn lên theo. Từ một chuyện nhỏ, nó lớn lên thành một chuyện lớn.

Em Đóa và tôi đều thích khuy. Loại khuy màu sắc sặc sỡ và mỏng.

Tôi có một cái hộp chuyên đựng tiền, kiểu dáng rất đẹp, dùng để cất những chiếc khuy sưu tầm được. Hè năm tôi mười lăm tuổi, tôi sục sạo khắp nơi trong thành phố để sưu tầm khuy. Những chiếc khuy hai lỗ nhiều màu được tôi xâu thành vòng tay, vòng chân, vòng cổ. Chúng tôi mặc váy sọc nhung màu hồng, đeo những chiếc vòng khuy. Trông giống như hai con búp bê.

Khuy bọc ở cái thành phố này gần như tuyệt chủng. Một chiếc khuy nhựa bình thường, nhưng nếu bọc ra ngoài bằng một lớp vải bạn thích, nó sẽ thành độc nhất, của riêng bạn. Tôi thích cảm giác dễ chịu của những chiếc khuy bọc vải. Cầm trong tay thật ấm áp.

Tôi và em Đóa khá là tiêu hoang, mua hẳn một miếng vải to về để bọc vài cái khuy chỉ vì thích một hình vẽ nhỏ trên mảnh vải, thậm chí chỉ vì một chữ cái. Chúng tôi bọc khuy bằng những miếng vải có hình bông hoa nhỏ xíu, hình mây màu, hay hình xương cá. Sau đó phát hiện ra rằng, những chiếc khuy bọc vải đẹp đến nỗi có thể dùng làm huy hiệu. Khuy được phối với các bộ trang phục, đính lên vạt hay cổ áo. Tôi thích nhất chiếc quần bò nhung đen được đính một hàng khuy dài tươi màu hoa suốt một bên. Những chiếc khuy đơm lỏng, khi đi lại cũng lúc lắc đong đưa cùng với tôi. Đẹp vô cùng.

Khuy còn được bọn tôi đính lên rèm cửa sổ. Năm đó, tôi đã không ngần ngại thay cả bộ rèm cửa dày, nặng, đắt tiền trong phòng. Tôi mua loại vải mỏng hơn, màu trời đêm, rồi đính tự do lên rất nhiều khuy nhỏ đủ màu, chếch chếch nghiêng nghiêng. Chúng giống như những vì sao nhỏ tỏa sáng lấp lánh trên mảnh trời tươi mới của tôi.

Đã từng có một loại búp bê lợn bằng vải rất được ưa chuộng. Gọi là chú lợn Quê. Tôi biết em Đóa có nhiều búp bê đến nỗi chúng như muốn đánh nhau, nhưng ngay từ lần đầu nhìn thấy lợn Quê, tôi đã quyết định mua tặng em Đóa. Chú lợn này có hai lỗ mũi thêu bằng hai chiếc khuy, loại khuy gỗ có nhiều đường vân. Hai chiếc khuy làm tôi có cảm giác ấm áp muốn gần.

Cầm chú lợn từ tay tôi, em Đóa cười, thơm ngay cái mũi tuyệt vời đó.

Thích nhất là tự làm khuy gốm. Tôi và em Đóa ở lò nung cả buổi chiều chỉ để làm mấy cái khuy gốm chẳng hợp với bộ quần áo nào cả, nhưng cảm giác mãn nguyện không gì so sánh được. Những chiếc khuy tôi làm trên mặt có hình hoa hướng dương, nhưng mỗi khuy lại có một màu khác nhau. Từ màu vàng tươi rói ngả dần sang màu đồng tối sẫm. Một hàng khuy tựa như một quãng đời của một bông hoa hướng dương.

Lúc nào tôi cũng thích khuy, khuy vải, khuy gỗ. Tôi thích nói rằng, cầm chúng trong tay thật ấm áp. Khi cầm trên tay những chiếc khuy vừa nung xong, tôi thật sự cảm nhận được nguồn ấm áp từ chúng. Độ ấm tản dần trong lòng bàn tay, chiếc khuy ngày một cứng, giữ nguyên hình thù mà tôi đã tạo ra chúng. Khuy nung không đính lên quần áo nào cả. Thực ra thì lúc nào tôi cũng tìm quần áo thích hợp với những chiếc khuy đó, nhưng rồi lại thấy chúng cao quý đến mức không nên chỉ là vật đi kèm quần áo.

Em Đóa tặng khuy nung cho người con trai mà em yêu tha thiết. Em đính khuy lên một chiếc áo sơ mi vải sợi bông. Sau đó, em Đóa đi xa qua bên kia đại dương, quên hẳn người con trai từng giữ tác phẩm nghệ thuật của em trên ngực. Lớn lên rồi, em Đóa luôn luôn bận bịu, tôi nghĩ, chắc cả đời em chẳng còn bao giờ vì mấy chiếc khuy mà tiêu tốn thời gian cả buổi chiều nữa.

Khuy gốm tôi làm thì vẫn còn đó.

Không gì dập tắt được tình yêu khuy gốm nồng nhiệt của tôi, rất nhiều lần tôi làm khuy như thế, rất nhiều buổi chiều khác nhau.

Lần cuối cùng là làm với Ưu. Ưu là tên người con trai tôi yêu. Chúng tôi bên nhau như những đứa trẻ. Chia tay nhau cũng chẳng chút khó khăn. Giống như mỗi năm nhà trẻ tốt nghiệp, những đứa bé chia tay các bạn chẳng khó khăn gì. Chỉ điều đó bây giờ tôi mới biết, Ưu đã âm thầm đính anh lên trái tim tôi tự khi nào.

Anh là chiếc khuy ấm áp nhất của tôi.

Lần đó, chúng tôi nung gốm hỏng bét. Hai đứa lấn bấn thành một cục, giống như đôi vợ chồng đang chuẩn bị một bữa đại tiệc. Anh nặn đất nung như thể đang nhào bột mỳ. Tôi đứng sau lưng anh, thấy anh nặn đất với tất cả sự chuyên tâm. Anh lúc nào cũng rất kiên nhẫn, lúc nào cũng ấm nồng như những chiếc khuy nóng hôi hổi của tôi. Thật lòng, tôi cũng hơi muốn cùng anh sống trọn đời.

Chúng tôi làm mấy cái khuy nung có hình mấy chú chó đốm đơn giản. Mỗi người năm khuy. Sau đó ôm mấy chiếc khuy nóng hổi vui vẻ đi về nhà.

Vẫn như thường lệ, anh đưa tôi về đến nhà. Tôi đột nhiên nói với anh, nếu chúng mình đi lạc nhau, em sẽ đi tìm, tìm người mang theo mình năm chiếc khuy hình chú chó, người coi chúng là những thứ quí giá.

Chỉ có điều, tôi đã quên rằng, khi những chiếc khuy nguội hẳn và cứng lại, thì mọi thứ cũng đã khác. Giờ đây, nếu tôi đi tìm người yêu lưu lạc, có lẽ chẳng ai thèm đứng ra nhận mình đang mang theo năm chiếc khuy xấu xí đó. Càng chẳng có ai đứng ra mà dịu dàng nói rằng, đúng vậy, chúng là những chiếc khuy quý giá của tôi.

nước hoa Kenzo

Tôi rất hay nhắc đến Kenzo trong truyện của mình. Tôi thích cho nhân vật nữ say mê Kenzo. Nó như một ký hiệu mang hình thái dịu dàng về những ngày tháng đã qua của tôi. Nhưng có lẽ nó cũng là một dấu lặng. Vì thực ra tôi chỉ có một lọ Kenzo duy nhất thuộc series "L'Eau par Kenzo". Có thể chẳng bao giờ tôi mua loại này nữa, bởi vai trò ý nghĩa của nó đã vượt xa một lọ nước hoa. Có lúc nó là rượu, làm tôi hoa mắt chóng mặt. Có khi lại thấy giống kiểu cây đèn thần của Alađanh, mỗi lần tôi mở nắp bình, vị thần mang tên Hồi Ức liền đột ngột hiện ra.

Kenzo là loại nước hoa Ưu vẫn dùng. Anh làm quen với tôi qua thư. Bức thư đó viết rất tình cảm. Thư nền xanh, thơm hương loại Kenzo đó. Mùi thơm chỉ phảng phất, thoang thoảng, nhưng lại ùa tràn vào khắp lòng tôi.

Tôi và Ưu đứng trò chuyện dưới một gốc cây mùa xuân, đó là ngày chúng tôi mới quen nhau. Một cây ngô đồng có nhiều cành uốn lượn. Từ trên rơi rụng xuống những bông hoa màu tím nhạt. Tôi chưa hề biết gọi tên loài hoa đó. Sau Ưu đặt tên nó là hoa Đồng. Tôi thấy cái tên rất hay. Đúng vậy, chúng tôi đang đứng trò chuyện dưới một cây ngô đồng đang lả tả rụng xuống những bông hoa Đồng. Tôi ngửi thấy hương thơm, phảng phất mơ hồ. Tôi không phân biệt nổi hương tỏa xuống từ trên cây ngô đồng, hay chính từ phía Ưu, đang đứng trước mặt tôi. Nhưng đó là mùi vị rất tươi mới, thuần khiết. Mới, là mùa xuân cây cỏ xanh tươi, là cả những câu chuyện thầm thĩ của tôi và anh Ưu.

Tôi nhớ anh có một khuôn mặt luôn luôn sợ hãi, sợ hãi trước cả thế giới. Anh lúc đó còn là một cậu bé mềm yếu, một vài sự cố xảy ra khiến anh chồng chất những vết thương lòng. Cho đến một ngày, anh nhìn thấy tôi, đến với tôi, yêu tôi.

Anh đến với một con người hoàn toàn xa lại, để yêu người ấy. Khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy ở đứa trẻ luôn sợ hãi đó một lòng dũng cảm không gì ngăn cản được. Dũng cảm và cô đơn hòa quyện làm một.

Anh thường hay viết những câu chữ rời rạc và hỗn loạn. Anh biết tôi thích chúng, nên mang cho tôi xem.

Một cuốn vở cũ kỹ. Tôi lại ngửi thấy mùi Kenzo. Hương Kenzo dịu mát chẳng ăn nhập với những câu chữ sắc nhọn của anh. Nhưng anh vẫn hòa hợp được hai thứ này với nhau thành một thể thống nhất, không tì vết. Và rồi mỗi khi ngửi thấy mùi Kenzo tôi lại nhớ đến văn của anh. Anh viết trong thơ của mình:

Cho tôi một ly nước, tôi sẽ trở thành người nhân hậu.

Tôi nhớ mùi hương Kenzo chính là tên L' Eau par Kenzo, "Nước" của Kenzo. Nó có thể làm cho Ưu của tôi trở thành nhân hậu ư?

Đáng lẽ, giữa tôi và Ưu chẳng nên có chuyện gì. Bởi vì hai chúng tôi đều giỏi viết truyện, chúng tôi quá sùng bái cuộc sống, và những đau buồn day dứt tận tâm can của nó, cho nên chúng tôi làm khổ nhau để viết nên những câu chuyện đớn đau. Nhưng viết đến phần kết mới chợt thấy truyện của mình quá đỗi tầm thường, vì thế cả hai đều thất vọng.

Sau cùng, tôi ra đi. Tôi thích lần chia tay đó, thật là cảm động. Tuyết rơi. Ngồi trên đu quay khổng lồ không người. Đợi đến khi len đến điểm cao nhất, chúng tôi chạm nhẹ vào môi nhau. Tôi rơi nước mắt. Anh không tìm thấy khăn, vội rút găng tay len trắng để lau nước mắt cho tôi. Tôi úp chiếc găng tay lên mặt, tham lam hít thở mùi hương Kenzo lạnh ngắt trên đó. Hương thơm dịu dàng vương vấn, đưa tôi đi thật xa thật xa, đi về với quá khứ, chỉ để nói một câu tạm biệt.

Tôi từng dùng nhiều loại nước hoa. CD, Lancome, Chanel No.5, đều tốt hơn Kenzo. Tôi thích vì chúng chỉ là nước hoa. Tôi không dám có Kenzo. Tôi sợ những ký ức giấu kín trong hương thơm kia tràn ra nếu tôi mở nắp lọ, và chúng sẽ lập tức tụ thành khối mây màu nhỏ trên đầu tôi. Rồi từ đó tôi sẽ phải sống dưới trời mưa.

Nhưng mọi người đều biết Duyệt thích Kenzo. Ngày tôi rời khỏi thành phố, Tiêu Tiêu tìm đến thăm tôi, tặng tôi Kenzo. Tiêu Tiêu đã gắn bó cùng tôi suốt ba năm. Nó chứng kiến tôi yêu, và chia tay.

Trong những ngày đổ vỡ tan nát của tôi, nó thường nhẹ nhàng ra lệnh: Duyệt, phải cố gắng lên.

Lọ Kenzo bằng thủy tinh rất nhỏ. Lớp thủy tinh trong suốt lộ ra màu xanh nhẹ nhàng. Là nước hoa nữ mà Ưu vẫn dùng. Vẫn cảm giác lạnh ngắt đó.

Hương thơm cũ ùa đến. Tôi lại nhìn thấy hoa Đồng mùa xuân năm đó rơi xào xạc. Tôi lại nhìn thấy nét chữ mực đen khoáng đạt của Ưu, từng hàng, từng hàng. Tôi lại nhìn thấy vòng đu quay khổng lồ kẽo kẹt quay.

Quá khứ đột ngột ùa về. Xung quanh bỗng ồn ã. Trong những âm thanh ầm ĩ đó, tôi nghe thấy Tiêu Tiêu nói:

Hãy dùng nó để kỷ niệm một quãng đời.

hồ đào

Có một thời gian tôi thích ăn hồ đào đến phát điên. Hồi đó, tôi sống nhàn nhã, thường một mình bê ghế ra ngồi chỗ ban công có nắng chiếu, dùng búa nhỏ đập hồ đào ăn. Vừa đập vừa ăn. Mở nhạc nhè nhẹ. Tiếng búa gõ hòa cùng một nhịp với nhạc. Thật hạnh phúc.

Hồi nhỏ, tôi được một bảo mẫu trông nom. Cô Anh có đôi mắt to, rất tốt với tôi. Tôi và cô ngồi trên hai chiếc ghế. Song song nhau. Cô vừa đập hồ đào cho tôi ăn, vừa kể tôi nghe những câu chuyện thần thoại. Những gì tôi phải làm chỉ là dựng tai lên nghe chuyện và há miệng ăn hồ đào. Tôi thấy cô tốt quá, sau này tôi sẽ đập hồ đào cho cô ăn. Tiếc rằng chưa kịp làm việc đó thì cô đã đi lấy chồng. Nhà chồng ở vùng núi cao nghèo khó. Cô Anh quay về vùng núi của cô. Nhưng cô nói ở đó rất tốt. Nhà chồng cũng có mấy cây hồ đào.

Trong mười mấy năm sau đó, năm nào cô Anh cũng về thành phố thăm nhà tôi. Cô đem cho tôi hồ đào tươi. Cô đã có con. Một thằng bé nghịch ngợm. Tôi khá thất vọng. Đáng lẽ cô phải có con gái mới đúng. Nó cũng sẽ ngồi yên lặng trên ghế, nghe cô kể truyện, há miệng ăn hồ đào. Làm một bé gái như thế, tôi nghĩ, thật hạnh phúc.

Hồ đào trong từ điển cá nhân của tôi vốn để chỉ những niềm vui đơn giản. Nhưng rồi về sau nó lại trở nên phức tạp.

Học cấp ba, có một bạn trai họ Hồ bị tôi gọi là Hồ Đào. Trong tâm trí tôi, Hồ Đào là biểu hiện của sự đáng yêu.

Tôi hỏi cậu ấy, đã bao giờ nhìn thấy quả hồ đào vừa chín chưa. Trông cậu cũng giống như thế.

Cậu ta hỏi, trông thế nào?

Tôi trả lời, xanh xanh, mềm mềm, hơi nhỏ nhắn, hơi có vị đắng chát. Tôi nói thế, rồi không khí và gió xung quanh tự nhiên trở nên cứng đờ.

Hồ Đào là một cậu bé đẹp trai, kiêu ngạo, bướng bỉnh, ngồi ở cuối lớp, không nói chuyện, cũng không nghe giảng. Tôi ngồi rất xa cậu ấy. Trong lớp, chúng tôi giống như chưa bao giờ quen biết. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng gọi điện cho nhau, nói đủ các thứ chuyện trên đời.

Hồi đó, cậu có cô bạn gái bé nhỏ, yếu đuối. Còn tôi có một anh bạn trai cao lớn, vạm vỡ. Cậu ghét tính hờn dỗi và nước mắt của cô bạn gái. Tôi ghét sự mềm yếu và lắm lời của anh bạn trai. Tôi và Hồ Đào gặp nhau lúc cả hai đều đã quá mệt mỏi. Trong điện thoại, cả hai đều lớn tiếng ca thán, cười nhạo. Cậu ta hỏi tôi vì sao không chia tay anh ta. Tôi hỏi lại, thế còn cậu?

Quả thật, tôi dường như liên tục xúi bẩy cậu ta. Hồ Đào cuối cùng bắt đầu tránh mặt cô bạn gái, và họ chia tay nhau.

Chuyện xảy ra vào mùa đông, mọi sự đều tiến triển chậm chạp như mùa đông giá buốt. Tôi và bạn trai cao to sống qua những ngày căng thẳng nhưng hết sức chậm chạp. Ngày trôi qua chậm đến phát buồn ngủ.

Rồi tôi phải đi Thượng Hải tham gia kỳ thi học sinh giỏi văn. Cuối cùng thì tôi đã có cơ hội ra đi. Tôi chào từ biệt anh bạn trai cao lớn của tôi. Nhưng khi quay về, tôi không hề liên lạc lại. Tôi thấy chào ra đi như thế đã là quá đủ. Cứ coi như là tôi đi mãi không về.

Xuống máy bay, đã là sắp Tết. Tôi ở sân bay, thấy muốn gặp Hồ Đào quá. Tôi gọi điện cho cậu ấy, nói tôi đã về, và tôi đã quyết định chia tay với bạn trai.Tôi sắp đến nhà cậu chơi.

Tôi thích kiểu nhà của Hồ Đào. Phòng cậu ấy sơn màu xanh mà tôi ưa thích. Chúng tôi ngồi trên trên sàn gỗ xem mấy đĩa phim lậu. Âm thanh quá tạp. Nhưng tôi thấy từng hạt từng hạt bụi mùa đông xung quanh tôi lần lượt biến mất. Tầm nhìn trở nên rõ ràng. Tôi thấy cuộc sống dường như lại chuyển động trở lại. Tôi nghĩ cứ thế này vậy. Cứ thế này ngồi mãi trong ngôi nhà ấm cúng, hai con người vương chút tơ tình.

Chúng tôi đều đã tự do. Nhưng tự do đáng quý biết bao, cho nên chúng tôi chẳng muốn tiếp tục làm thêm gì nữa. Vì thế không thể đến với nhau quá gần. Thế nhưng chúng tôi lại ngồi vương vấn vương vấn. Hồ Đào xích lại gần, sưởi ấm tay tôi. Tôi thấy hai đứa thật thảm hại, cả hai đều cô đơn nhưng đã sức cùng lực cạn, không còn sức để yêu nữa.

Tôi hỏi, vì sao anh sơn tường thế này. Lạnh quá.

Anh ôm tôi.

Chúng tôi tốt nghiệp. Ở một nơi xa xôi, tôi đi công viên. Tôi nhìn thấy một cây hồ đào với những quả xanh. Tôi nhìn thấy dáng hình nguyên sơ của chúng. Mềm mại. Chưa hề bị một vết thương. Tôi nghĩ nếu ngay từ đầu đã quen Hồ Đào, cậu ấy nhất định sẽ là một người con trai dịu dàng mềm mại đến độ không có lấy một vết thương, một vết sẹo. Như thế tốt biết bao.

Tôi gửi cho cậu ấy một quả hồ đào xanh. Bỗng thấy lòng buồn da diết. Tôi chẳng còn muốn ăn Hồ Đào nữa. Cậu ta đã chôn vùi tình cảm của tôi đối với hồ đào. Tôi buồn vì thấy mình có lỗi với cô Anh. Cô đã đem cho tôi niềm hạnh phúc mang hình dáng hồ đào. Thế mà tôi lại đánh mất. Hồ đào không còn là hạnh phúc tươi xanh thuở nhỏ nữa. Nó đã thành vết sẹo thô ráp từ khi nào.

ban nhạc Lamb

Louise Rhodes có khuôn mặt mang tinh thần của tranh thủy mặc. Tóc tết dựng ngược, nhưng không có vẻ ác ý hay lả lơi, mà thấm đượm tình nồng và tao nhã. Thật thế, cô ấy đã làm vợ. Vợ của Andy Barlow. Tay trống có đôi mắt, khuôn mặt và thân hình rất đàn ông. Xem mấy ảnh chụp hai vợ chồng, thấy họ đều đứng song song, cười khiêm tốn, nụ cười trên hai khuôn mặt cứ như nối liền với nhau vậy, như thể bắt nguồn chỉ từ một khuôn mặt. Trong tấm ảnh đầu, cô mặc một chiếc áo thụng, vải thô, màu nâu nhạt. Anh mặc áo cộc bó sát kiểu đơn giản, màu xanh pha xám. Phông nền là một bức tường sơn màu vàng sậm. Trông như ảnh chụp lúc còn rất trẻ, từ lúc còn trẻ con, vương vấn nét buồn thương trong sáng. Tấm ảnh thứ hai đen trắng. Hai người mặc áo jacket đi mưa. Hai chiếc áo đều cổ dựng. Vẻ như hai người đã trải qua những bồng bột tuổi trẻ, sẻ chia cho nhau những câu chuyện của mình, cảm thấy cần có mặt trong cuộc đời của nhau. Như thế sẽ thật an ổn, thật tươi sáng. Thế là họ yêu nhau. Nhưng trong câu chuyện giữa họ vẫn còn ám ảnh của quá khứ qua tiếng thở hổn hển và những tự bạch không dứt về mình. Bóng đen ma quỷ vẫn nhen nhóm không ngừng, chống lại lý tưởng xây đắp từ tình yêu trong sáng.

Tôi thích ban nhạc phong cách Trip-Hop tên Lamb này. Thành viên là một đôi vợ chồng. Lou và Andy.

Còn nhớ, là Lei đã mang cho tôi nghe nhạc của đôi vợ chồng này. Một lần ở nhà tôi, khi hai đứa đang yêu nhau. Anh tiện tay nhét đĩa CD của Lamb vào máy nghe. Chúng tôi tán gẫu và nghe nhạc. Lei đột nhiên hỏi, em nghe đoạn này chưa? Anh nói, mỗi lần anh nghe đoạn nhạc này đều thấy đau khổ. Đó là đoạn chơi toàn bộ gõ. Lặp lại. Mạnh mẽ. Đoạn sau mạnh hơn, âm thanh sắc nhọn hơn đoạn trước. Mỗi lần nghe đến cuối đoạn, tôi lại tưởng đây đã là cực điểm và sắp kết thúc, vì không thể sắc nhọn và giục giã hơn được nữa. Thế nhưng họ vẫn cứ lặp đi lặp lại mãi. Hổn hển hổn hển. Tiếng hát người phụ nữ như nữ yêu quái bị giam cầm, lồng lộn và đập tìm lối thoát. Đổ vỡ nhưng vẫn không ngừng nghỉ. Tôi và Lei đều dừng lại không nói chuyện được nữa. Tôi thấy mình như bị bọn họ xô xuống đáy giếng. Tôi chết chìm dưới chuỗi đau thương nối tiếp như sóng nước dập dồn của họ.

Đó là đĩa nhạc đầu tay của Lamb. Tôi vốn thích phong cách Trip-Hop. Nhưng thích ban nhạc này nhất, hơn cả Portishead và Massive Attack lừng danh. Có lúc họ rất ấm áp, có lúc lại tàn nhẫn khốc liệt. Giống một dải khăn lụa sáng đẹp hoa lệ mà tôi chưa bao giờ biết nó có thể bóp chết người. Chết trong nụ cười ấm áp và mềm mại.

Tôi thừa nhận đánh giá của mình không được chính xác cho lắm. Vì tôi đã xem ảnh họ, biết những câu chuyện của họ. Tôi thấy họ đứng cạnh nhau trông thật đẹp, sáng lên niềm tuyệt vọng. Tình yêu xóa đi những ức chế, bơ vơ không nơi nương tựa thuở ấu thơ, khiến những ưu phiền bừng lên ánh sáng ấm áp mờ ảo. Giống như vết thương đã được tô sửa, phẫu thuật mới dám trình ra trước thiên hạ, mới đáng để người ta nhìn ngắm. Trên forum bình luận nhạc có nói, đĩa thứ hai của Lou thậm chí còn dùng tiếng tim đập của đứa con trai trong bụng cô làm Sample. Cô đã mời cả con trai đến nhìn ngắm vết thương. Đó là quá khứ họ cần ghi nhớ. Là những đơn độc, yếu đuối, trước khi họ yêu nhau, trước khi con trai họ ra đời.

Lei có thể bình luận âm nhạc chuyên nghiệp, nên anh nói rất chính xác. Anh yêu Lamb, nhưng anh còn yêu nhiều Trip-Hop khác nữa. Một ngày sau khi chia tay rất lâu, tôi gọi điện thoại cho anh, vui mừng nói với anh, em tìm thấy What Sound của Lamb rồi. Đĩa đó tôi tìm khắp thành phố không thấy. Tôi đã hứa sẽ mua cho anh nghe.

Thế à, anh nói. Không cần đâu. Bây giờ anh chỉ nghe nhạc kịch thôi.

Anh giữ vẻ cao quý bề trên của mình. Tôi thấy anh đã lớn, đã rũ bỏ được những đam mê và ngơ ngác thời niên thiếu. Chúng tôi cũng chia sẻ với nhau chuyện của mình. Nhưng không thể có mặt trong cuộc đời của nhau, bởi vì có quá nhiều chia ly và đổ vỡ. Chúng tôi đều chẳng phải bác sĩ tài giỏi. Chúng tôi đều là những đứa trẻ quá đỗi hẹp hòi, đều quay đầu bỏ chạy khi nhìn thấy vết thương be bét máu thịt. Tôi nghĩ Lamb quả là vĩ đại thật khi làm nên sự nghiệp như thế. Họ tự phẫu thuật vết thương của mình, làm đẹp nó, mang nó ra trước mọi người. Nhưng tôi vẫn chưa kể hết. Tôi rất muốn nói với Lei, trên bìa đĩa nhạc mới, họ vẫn đứng song song cạnh nhau, nhưng khuôn mặt mỗi người hướng về một phía, nét mặt xa lạ. Không biết có còn yêu nhau nữa không. Không biết có phải trút được ưu phiền rồi họ thành ra khô cạn. Tôi còn muốn kể, thật ra cái hôm cùng nghe nhạc ở nhà tôi đó, đúng là nên chụp một tấm hình. Lúc đó, chúng tôi có nét mặt như nối liền với nhau. Rất giống.

Lúc đó, chúng tôi đứng song song cạnh nhau.

MÈO ĐEN KHÔNG NGỦ - Trương Duyệt Nhiên - Tập truyện ngắnWhere stories live. Discover now