Xích đạo rạch qua khuôn mặt Thành phố

33 0 0
                                    


một

Tôi ở đây.

Mừng Giáng sinh trong nhiệt độ 28 độC. Đi đường Orchard ngắm nhìn người ta vui chơi. Cây Giáng sinh cao lớn đến nỗi không cho tôi nhìn thấy ngọn. Nến lung linh đến nỗi làm tôi quên mất những giọt nước mắt của chúng.

Đám mây nhỏ vào 2 giờ chiều thế nào cùng làm thành mưa, đuổi mèo con đang phơi nắng về nhà.

Trên tầng cao của tòa nhà có tấm băng rôn lớn. Đó là lời của Chúa đối thoại với các con chiên.

"Ra đường đừng quên mang ô, chốc nữa ta phải tưới hoa.

—— Thượng Đế"

Gần nơi ở có rất nhiều nhà thờ. Màu hồng, màu vàng ấm áp, những người ngó ra nhìn đều có nụ cười hiền hòa.

Nhà thờ gần nhà nhất có treo một tấm phông vải màu đen. Chữ tiếng Anh màu trắng.

I am here.

——God

Nhà tôi ở rất gần đó. Buổi tối đi xe về cứ tìm tấm vải, nhìn thấy nó có nghĩa là một giây sau đó sẽ về đến nhà. Điều đó làm tôi thấy yên tâm.

Qua đường cao tốc Tây Hải Ngạn đi xem biển.

Có những cánh diều chao xuống hoặc bay lên, có đứa bé trượt băng ngã xoài hoặc đang đứng dậy. Biển đột ngột hiện ra. Bóng những con thuyền lúc ẩn lúc hiện. Đèn thuyền trèo lên vai những cành cây nhiệt đới. Nụ cười trọn vẹn trở nên lòa nhòa qua làn nước biển.

Bờ cát trắng muốt dưới bàn chân để trần. Cứ thế bước đi, tự nhiên có giọt nước mắt rơi xuống, rơi từ thời tiết của miền nhiệt đới xuống vùng giá lạnh, làm buốt cóng bàn chân.

Đi xa lắc mới tới bến tàu điện ngầm. Chẳng có thành phố nào có tàu điện ngầm như Singapore, lúc chạy ngầm, lúc lại ngoi lên khỏi mặt đất, không cố định. Ngồi ngủ ở chỗ gần cửa, tàu điện đột nhiên từ dưới đất trồi lên. Ánh mặt trời chói lọi làm tỉnh giấc, mắt ráo hoảnh nhìn thành phố ẩm ướt. Nhìn thấy cậu con trai Trung Quốc dáng vẻ lạnh lùng. Cậu ta đã có được một khuôn mặt phù hợp với cái thành phố này, không còn tỉ mỉ, nhạy cảm. Như thế sẽ tránh được bị tổn thương. Bộ complet là lượt phẳng phiu, nhưng vẫn đeo ba lô to tướng hiệu Jansport. Tay cầm máy CD, quen thuộc chốn đô thị này đến độ không sợ đi nhầm bến. Cũng có thể do bực bội, căm ghét đến nỗi không để ý đến việc có đi nhầm bến hay không. Không cười, không có ai bên mình.

Một cô gái có khuôn mặt thoang thoảng hương hoa quả chẳng mảy may để ý xung quanh, ngồi phệt luôn ra sàn. Trên tai cô đeo đôi khuyên sáng long lanh. Chàng trai châu Âu đi bên cạnh say sưa với một nửa khuôn mặt của cô. Nghe cô nói không dứt.

Thật lãng mạn.

Tôi muốn có một người, đến bên tôi, ngồi cạnh, nghe tôi nói. Nói không ngừng, không dứt.

Thành phố quá trật tự, trên đường phố không có ai rơi nước mắt. Nên nếu tôi bỗng khóc trên đường phố sẽ rất nổi bật. Mấy thanh niên đứng trước cửa quán pub lại có những khuôn mặt rất ngoan ngoãn. Uống rượu là một việc rất nghiêm túc. Say chỉ là nhỡ ra, chứ thường không xảy ra.

Rất nhiều vila đẹp, có đài phun nước và chú chó cô đơn. Báo đặt cạnh cửa đến tận cuối ngày vẫn chẳng có ai lấy. Xe bóng nhoáng như thể vừa nhồm nhoàm ánh nắng mặt trời, bôi ra cả mép.

Tôi ở đây. Xích đạo chỉ còn chút nữa là rạch một vết lên khuôn mặt thành phố, khuôn mặt thật cô đơn, để dành cho xích đạo mấy cánh rừng nhiệt đới làm kỷ niệm. Thật ra, tôi lúc nào cũng lo không đâu rằng thành phố này sẽ dần nhích đến xích đạo. Xích đạo sẽ xuyên ngang thành phố như một mũi tên. Khi đó, tôi sẽ mãi bị treo giữa quả cầu nước không ngừng nhảy điệu... cà tưng này.

Tôi ở đây, trong rừng rậm ồn ã, gọi điện thoại cho thành phố vừa rời xa. Hỏi: Con đi rồi lỡ mất bao nhiêu lần tuyết rơi? Câu trả lời an ủi: Con đi rồi tuyết không rơi thêm một lần nào nữa.

hai

Đêm đến nghe CD rất chăm chú.

11 giờ sẽ có người gọi điện thoại. Tôi vội phi ra tắt nhạc. Bật đèn. Xõa tóc, bỏ dép, nhảy lên giường. Điện thoại ở đầu giường. Tôi vui vẻ nằm xoài trên giường, nhấc ống nghe.

Trong điện thoại không có tiếng nói. Chỉ có tiếng kim loại nhẹ rơi.

Leng keng, rơi vào một ống đựng bằng kim loại. Âm thanh rất rõ, vang vang bên tai không dứt.

Tôi không nói chuyện, điện thoại cũng không có tiếng nói. Tôi hơi mỉm cười. Vì tôi để gương ngay trước mặt. Lúc này có thể soi kỹ mình trong gương, chỉ có lúc này tôi mới có nụ cười thực sự, không vương giấc mơ hoảng hốt đêm qua. Tôi buồn cười và thật xấu hổ. Tôi thấy mình lúc này thật đẹp, tôi chỉ soi gương vào đúng lúc này. Lặng lẽ miên man với nụ cười của mình trong vòng vài chục giây, điện thoại nhẹ nhàng ngắt. Tôi mãn nguyện, đặt ống nghe xuống.

Đây là "môn bắt buộc" mỗi tối của tôi, vào tiết cuối cùng. Thay chỗ cho thói quen xấu là ăn sôcôla và kẹo trước khi đi ngủ trước kia. Đây là một nghi thức ngọt ngào, nó đem về cho tôi một giấc mơ đẹp. Nó khiến tôi thực sự là một đứa trẻ. Đứa trẻ cứ đến giờ lại được Chúa yêu chiều, ban kẹo cho.

Đầu dây bên kia là người con trai có tên Khaki, đó là sự ban tặng lớn nhất mà Chúa dành cho tôi.

Có một hôm, anh yêu tôi, anh quyết định sẽ yêu mãi mãi, anh quyết định sẽ làm một cái gì đó cho tôi, để chinh phục tôi hoàn toàn.

Nhưng anh vẫn còn là một cậu bé, anh biết tôi không chịu tin anh. Hôm đó, anh vội vàng đi đổi thật nhiều tiền xu. Anh nói mỗi ngày anh sẽ cất giữ một đồng tiền xu. Một đồng tiền xu tức là một ngày yêu tôi.

Tôi cười, nói với anh: Tốt thôi, lúc nào em bỏ anh ra đi, ít nhất anh cũng có một khoản tiền không nhỏ. Cảm giác giàu sang tràn đầy.

Anh nói, lúc nào chúng mình già rồi, anh không đi được nữa, ngồi trên giường đếm những đồng xu tích lũy qua bao năm. Anh sẽ bảo con cái mình đổi thật nhiều tiền xu, rồi bảo chúng đi. Anh sẽ từ từ thực hiện việc chết yên bình. Tất cả mọi hoạt động sẽ bị lược bỏ dần, chỉ còn lại ngày ngày bỏ tiền xu. Hai chúng ta, bên đống tiền xu kếch sù, dần đi vào cõi chết.

Nhưng tôi vẫn ra đi.

Ngày ngày trước khi đi ngủ anh đều gọi cho tôi. Không nói bất cứ điều gì, chỉ cho tôi nghe tiếng tiền xu rơi vào trong ống đựng. Có khi tôi cười thành tiếng.

Bây giờ anh phải gọi điện thoại quốc tế. Nhưng bên tai vẫn là tiếng kim loại va vào kim loại. Tôi ban đầu thấy đau khổ, nhìn bộ dạng đáng xấu hổ của mình trong gương. Tôi đã quyết định ra đi, đến đây, xa xôi và rất quả quyết. Nhưng thật ra tôi vẫn phải sống nhờ vào tiếng điện thoại của anh, để đổi lấy nụ cười mỏng tang và giấc mơ sống động.

Tôi thường mơ thấy ống đựng kim loại không có đáy, tiền xu rơi xuống, nhưng cứ rơi mãi. Tình yêu kết thúc trong sự mất tích của đồng xu.

Thực ra tôi biết mọi việc rồi sẽ kết thúc. Sự biến mất của đồng tiền xu sáng loáng và những giấc mơ hoảng hốt màu xám luôn ám ảnh tôi. Chỉ có điều, tôi không biết lúc nào điều đó sẽ đột nhiên đến, cũng như tôi không bao giờ biết tàu điện ngầm Singapore lúc nào đi ngầm, lúc nào ngoi lên mặt đất.

Khaki và tôi đi dạo suốt một mùa hè. Tôi có cả một mùa hè để ngắm nhìn mắt anh sáng ngời trong hương thơm nước hoa đàn ông hiệu Kenzo.

Tôi bị trói buộc vào hương thơm này. "L'Eau" là tên của nó. Mùa hè đó làm tim tôi đập thình thình.

Chúng tôi ra ngoài vào lúc hoàng hon. Lòng tôi không vui, nhưng tinh thần mạnh mẽ. Anh đứng đợi tôi ở góc phố. Lần nào thấy tôi anh cũng không cười. Lạ thật. Anh không cười, chăm chú ngắm nhìn tôi đi tới. Tôi hơi thất vọng, vì tôi nghĩ lúc tôi đột ngột xuất hiện, đáng lẽ anh có một phản ứng tự nhiên. Cười là một sự yêu thương, nhưng anh lại nhìn tôi nghiêm nghị. Đôi môi anh rất dày, khi mím lại càng làm cho tôi thấy muốn tách nó ra. Tóc anh từng sợi thẳng đứng, cả mùa hè mọc rất chậm. Tôi đã nhuộm tóc ba lần rồi mà tóc anh vẫn chưa dài nổi thành một cái đầu nghệ sĩ. Anh đẹp trai. Mãi sau khi rời xa anh rất lâu, tôi mới nói điều đó.

Trong ngõ nhỏ có cô bé bán CD, suốt ngày làm bạn với những chiếc CD buồn rầu trong cửa hàng bé, hẹp, dài, đen đúa. Cô bé thường giữ lại một số CD yêu thích không bán, đợi, đợi và đợi như thể cô gái sắp đi lấy chồng. Cô đợi Khaki đến, Khaki là chốn quy tụ tốt nhất của những chiếc CD đó. CD của Khaki mà mang đến đây, chắc chắn phải nhiều bằng ba cửa hàng của cô. Cô thấy Khaki đến là mắt lại sáng long lanh. Vì Khaki hầu như có thể đoán trúng mọi ban nhạc mà cô thích. Cô thích Cocteau Twins, thích Lamb, thích P.J Harvey. Little Earthquakes của Tori Amos là đĩa không bao giờ cô mang ra bán. Trước khi quen Khaki, tôi hầu như chẳng hiểu gì. Tôi không biết những con người này. Rất chân thành, rất thực sự mà nói, tôi chẳng biết họ đang bận bịu những gì. Khaki cẩn thận dắt tay tôi đi xuyên qua con ngõ bé tí tẹo đó, đến gần cuối ngõ, tới cửa hàng của cô bé kia. Giống như một giờ học thêm, tôi dùng đầu óc thay vở viết, ghi nhớ tất cả những gì tôi phải học thêm về môn âm nhạc. Tôi nghe họ kể về những ban nhạc đã tan rã, như nói về những người bạn đã lâu không còn giữ được liên lạc.

Mùa hè đã qua, cô bé bán CD dán một mảnh giấy, cần chuyển nhượng cửa hàng với giá cực thấp. Chúng tôi đều xót xa khôn tả.

Mùa hè đó, chúng tôi đều như chờ đợi. Chẳng ai biết đang đợi cái gì. Anh nói, anh đợi tóc dài, tôi nói tôi đợi dùng hết nước hoa Lancome sẽ đổi sang dùng Kenzo cùng loại với anh. Anh nói, anh đợi cửa hàng Espririt bán quần áo nam, tôi nói tôi đợi cô bé bán CD tìm cho chúng tôi một đĩa Little Earthquakes của Tori Amos nữa. Anh nói anh đợi được ra đi, từ đây, đến kia. Tôi đột nhiên nghiêm nghị, nói rằng, thôi đi anh, em biết chẳng bao giờ anh làm được như thế.

Lúc anh chán ghét gia đình, quả thực đã từng định bỏ đi, nhưng lần nào anh cũng gọi điện cho tôi. Tôi vơ một nắm tiền, xỏ dép lê, chạy ra ngõ đón anh. Anh chẳng có vẻ gì là bỏ nhà ra đi cả, chẳng mang tiền, chẳng mang hành lý, cũng chẳng mang theo ảnh của tôi. Lần nào tôi cũng đưa anh đi ăn một bữa, rồi anh im lặng đi theo sau tôi, không nói một lời. Anh không hỏi xin tôi thuốc, mặc dù tôi biết là anh có hút. Trước khi cửa hàng đóng cửa, tôi sẽ thuyết phục được anh về nhà. Lần nào tôi cũng thành công. Cứ như thế, những lần bỏ nhà ra đi chừng nửa buổi tối cứ thế lặp đi lặp lại.

Trước khi quay về, anh đưa tôi về nhà tôi. Đó là con đường tôi đã quen thuộc đến không thể quen thuộc hơn. Là con đường cổ nhất của thành phố tôi ở. Cong cong lượn lượn, hai bên nhiều mạch nước, gốc liễu. Bóng đổ nhiều đến nỗi như đang xoắn vào ẩu đả lẫn nhau.

Trước khi tạm biệt, chúng tôi nhìn nhau, nét mặt chúng tôi sao mà giống nhau thế, nội dung chủ yếu trên đó là tuyệt vọng và bất chấp. Tay tôi và tay anh ở rất gần nhau: tôi biết anh có nảy ra ý định dắt tay nhau chạy trốn. Chỉ đơn giản là đưa tôi đi, như một sự cứu rỗi. Chẳng quan trọng sau này thế nào, tình yêu sẽ ra sao. Anh biết anh chẳng thể nuôi sống tôi, nhưng điều đó so với việc đại sự là đưa tôi đi chạy trốn thì có nghĩa lý gì?

Đời tôi không thể nào có được người con trai như thế nữa: sẵn sàng đưa tôi đi, không đắn đo suy nghĩ làm sao để chăm sóc tôi, làm sao mang lại cho tôi những hạnh phúc linh tinh, nhỏ nhặt.

Tôi mê say biết bao dáng hình Khaki lúc đó: anh đứng trước cửa nhà tôi, rất nhiều rất nhiều lần, tay anh ở rất gần tay tôi. Chỉ một chút nữa thôi, có thể anh sẽ cầm tay tôi đưa đi. Tôi chắn chắn anh không làm như thế không phải vì lo lắng hay do dự bất cứ điều gì. Chỉ có điều anh không nhất thiết phải đưa tôi đi vào ngày hôm đó. Anh thấy những ngày đã qua đều như thế này, nên anh nghĩ những lần sau này cũng sẽ như vậy. Anh thấy đó là việc làm vào ngày nào cũng được, hoặc anh cho rằng sớm muộn cũng sẽ làm.

Trong thế giới của Khaki, chẳng việc gì phải lên kế hoạch cho mọi sự.

Anh tin tưởng một cách vô căn cứ rằng chúng tôi sẽ ở bên nhau suốt đời, vô điều kiện.

Nếu anh dắt tay tôi, tôi sẽ đi cùng anh. Tôi nhất định sẽ. Khi anh định bỏ nhà đi, đến trước mặt tôi, lúc tôi đi dép lê, chưa đóng cửa nhà, khi hai đứa đứng ở trước cửa, tôi đã muốn nói với anh, hãy đưa em đi. Tôi biết thế nào anh cũng đồng ý. Nhưng tôi biết rõ, anh không mang theo tiền, cũng chẳng có cách nào để mưu sinh. Anh chỉ coi đó như một lần du xuân.

Thế nhưng tôi vẫn không bỏ được ý nghĩ tưởng tượng ra cảnh anh và tôi bỏ chạy. Chúng tôi dắt tay nhau chạy trong gió: Tóc anh dài rồi, hương thơm nước hoa Kenzo của chúng tôi lan tỏa ra khắp cả mùa thu. Tôi và người bạn trai mà trong tầm mắt chỉ có ngày hôm nay đã cùng nhau bỏ chạy như thế.

Mái tóc tôi có tung bay rất đẹp trong gió không. Tôi thích những chùm tua rua cùng nhảy múa trong gió phụ họa với mái tóc mình, nên kiên quyết mặc chiếc váy kẻ với tầng tầng lớp lớp tua rua. Tôi không thể chạy nhanh được. Khaki liệu có vì thế mà giận tôi không. Vòng cổ, vòng tay tôi sẽ đứt tung khi đang chạy, rơi òa xuống đất, Khaki có cho phép tôi dừng lại nhặt không. Anh có mang theo khăn tay để lau nước mắt cho tôi không. Anh có mang búp bê hay chú gấu bông mềm mại để tôi ôm đi ngủ không. Anh có mang vitamin để chữa cái chân răng hôi rữa của tôi không?

Tôi nhận lời đi quay phim cùng anh, phim không người xem nhưng sự cao quý của nghệ thuật sẽ xuất hiện, và sẽ tồn tại. Chúng tôi sẽ đi du lịch qua nhiều nơi, có thể sẽ đều là nơi nghèo khó. Núi sông gần giống nhau, ngắm nhiều đến nỗi tôi bắt đầu ngáp. Bắt đầu oán hận, nguyền rủa, cãi vã nhau. Nhưng cuối cùng vẫn không thể rời nhau được.

Cuộc sống như thế không cần tôi đi chợ nấu ăn, cũng chẳng phải to tiếng với mẹ chồng, không cần nuôi con.

Anh nói, vẫn cần một gia đình. Nhà tốt nhất là ở cạnh đường sắt. Không có đường ống ga, không có đường dây điện thoại, không có truyền hình cáp, chỉ nối liền với chân trời xa. Tàu hỏa xình xịch chạy qua. Đột nhien anh có cảm hứng. Chúng ta đi ra phía đó đi!

Thế là tôi đi dép lê, xõa tóc, vớ một nắm tiền, chạy ra ga tàu hỏa mua vé chuyen sau. Anh đổi cuộn phim mới. Mặc quần, đi giầy chắc chắn. Chẳng có đồ trang điểm nào. Trừ Kenzo thân yêu của chúng tôi.

Có rất nhiều bạn. Là bạn chung của chúng tôi. Những người bạn dị hình dị dạng, sống trăm kiểu kỳ quái. Tập trung nhau lại ở quán bar tối tăm xem bộ phim chúng tôi vừa quay. Có thể có người còn rơi nước mắt. Tôi và Khaki ngồi phía sau cùng, rất mãn nguyện.

Tôi chẳng có vật trang sức nào, trừ một chiếc nhẫn.

Nhẫn là do anh dùng kìm, sợi dây sắt và một buổi chiều để làm. Sáng được một tuần thì bắt đầu tối sầm. Hình dạng kỳ quái, cuốn cuốn vẹo vọ thành một trái tim ngờ nghệch. Thật ra, cạnh của nó hay làm đứt tay tôi. Nhưng tôi không bao giờ cho anh biết điều đó.

Khaki hỏi tôi, em biết tình yêu của Bonnie và Clyde không?

Không ngờ tôi lại chưa hề xem bộ phim kinh điển của Mỹ hồi những năm sáu mươi đó. Tôi lắc đầu.

Là tình yêu của hai tên tội phạm giết người cướp của, Khaki nói.

"Cười với nhau dưới ánh mặt trời, bị cảnh sát đánh bẹt thành hột xúc xắc." Đó là tình yêu mà Khaki thích.

ba

Tôi ở đây.

Tôi có một máy tính xách tay, một dãy nước hoa, một lô CD Khaki gửi đến. Đây là toàn bộ tài sản của tôi ở cái thành phố này.

Tôi ở một thành phố tinh xảo này, sống một cuộc sống thô tháp. Rất lâu rồi tôi không nhuộm, không sửa mái tóc dài của mình, đằng nào thì cũng chẳng còn cơ hội để nó bay trong gió cùng Khaki. Tôi quên sơn lại móng tay, để một bên thì dài một bên thì đứt, tiếng đứt gãy như một lời nguyền rủa. Buổi tối thậm chí còn quên tháo kính áp tròng, nghe điện thoại của Khaki xong là vội vàng đi ngủ. Đằng nào thì nước mắt cũng sẽ thay nước thuốc tách rời kính áp tròng. Đồng hồ đeo tay cũng lâu lắm chẳng thay đổi, cởi ra để lộ một mảnh da không bị nắng nhiệt đới chiếu. Máy tính xách tay nhét quá nhiều thứ, cứ bật máy là lại nhắc tôi dọn dẹp ổ cứng, tôi biết không nghe theo nó, hậu quả sẽ là tất cả dữ liệu cùng Flash hay sẽ mất đi, nhưng vẫn nhét đầy đến mức muốn ói. Tôi thấy nó tràn đầy, chắc có thể tượng trưng cho sự tràn đầy của tôi. Điện thoại di động thường xuyên quên sạc điện, mở điện thoại ra hộp thư thoại đầy giọng nói của rất nhiều người.

Tôi sống một cuộc sống sơ sài, nhưng tôi yêu vật chất, nên trước hết tôi yêu thành phố này.

Khaki có biết không, ở một cửa hàng âm thanh có tên HMV cao mấy tầng, tôi chẳng tốn chút sức lực đã tìm ra Little Earthquakes của Tori Amos, nó được bày thẳng tắp trên một chiếc giá có ghi tên và đánh số, khác cửa hàng nhỏ trong ngõ của cô bé trước đây.

Bánh bích quy đẹp và cầu kỳ đến mức bán từng cái một. Mỗi cái đều có hộp. Đến ngày lễ tình nhân thì sẽ viết tên lên trên, màu sắc đẹp như màu hồng của đôi nụ hoa.

Sushi bán khắp nơi như bánh gatô, chẳng ai còn nhớ được quốc tịch Nhật Bản nghiêm túc của nó nữa.

Bản tiếng Anh cuốn "Hoàng tử nhỏ" đẹp quá, mái tóc vàng kim của Hoàng tử nhỏ sáng lóa và uốn lượn như sóng dập dờn của cánh đồng lúa mạch. Đó là đứa bé mà Khaki thích, dáng vẻ nghiêm túc của Khaki rất giống nó. Nhưng Hoàng tử nhỏ từ đầu đến cuối đều chạy, chạy suốt, còn Khaki thì đứng nguyên ở một chỗ không động đậy. Tôi cứ thế nhìn bức vẽ Hoàng tử nhỏ và nghĩ về anh.

Bình to lọ nhỏ trong Body Shop màu hồng, mọi bộ phận cơ thể đều có thể được chăm sóc. Tôi đợi cả mùa chẳng thấy giảm giá, nên không có cơ hội thử. Từ say mê chúng, tôi thành ra muốn nổ tung mỗi khi nhìn thấy.

Đồng hồ đeo tay Swatch ở đây đã được bình dân hóa. Đồng hồ trong suốt màu kẹo ngọt đã thành như đồ chơi cho bọn trẻ mặc sức lựa chọn, chẳng cần phải ra sức cầu nguyện vào dịp Giáng sinh mới mong nhận được.

Đi rất xa chỉ để nhìn thấy những đồ vật ấy. Nhìn hình dạng chúng tinh xảo đến phát thù hận. Thế là đợi đến lúc chúng bị giảm giá là nở nụ cười sung sướng trên đau khổ của người khác. Cũng có lúc không kiềm được muốn lại gần chúng, sờ tay vào sự ấm áp cao quí mà tôi không bao giờ với tới ấy.

Tôi biết sân bay Changi nằm ở bờ biển phía Đông. Đứng ở bờ biển có thể thấy máy bay lên xuống. Đó là những con chim khổng lồ lạnh lùng đang biểu diễn theo chương trình lập trước. Thế mà vì sao tôi nhìn đến phát chán mà vẫn không quên rơi nước mắt.

Tôi trơ mắt nhìn ngày cuối năm đến vào mùa hè. Đáng sợ thật. Đêm tất niên đứng ở bờ biển phía Đông xem những con chim khổng lồ biểu diễn. Đêm xuống, năm mới vẫn có mùa xuân. Thế nhưng, thế nhưng vẫn chẳng thấy đâu cái màu đỏ dân dã Trung Quốc mà tôi từng khịt mũi chê bai. Tự ra lệnh cho mình tin rằng mình có người để đón, thế là tôi đi sân bay. Khí lạnh ùa ra, tôi trốn vào Starbuck và Delifrance uống cà phê cho ấm. Cứ ba mươi phút lại đi xem bảng thông báo máy bay hạ cánh, đọc thật kỹ hai chữ "Trung Quốc". Lấy thật nhiều thiệp để viết viết xóa xóa, vẽ hình trái tim có cánh, rồi vẽ mắt. Nhìn ngắm nó, cuối cùng vẽ lên đó giọt nước mắt.

Sáng hôm sau ngủ vùi, quên mất cả năm mới.

bốn

Tôi có muôn vàn câu chữ muốn viết về gia đình. Nhưng con người vô lương tâm như tôi lại cứ dùng chúng để viết về Khaki của tôi và những người con trai giống anh.

Tôi chưa bao giờ viết về bố, một người đàn ông rất quan trọng đối với tôi.

Bố tôi thích ôtô. Hồi đi Hàn Quốc về, bố mang nhiều mô hình rất đẹp của các hãng ôtô Hàn Quốc. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ, tôi không biết đó là những thứ bố thích nên lén mang tặng các bạn trai cùng lớp nhân dịp sinh nhật họ.

Từ nhỏ tôi đã rất biết cách lấy lòng các bạn trai.

Bố giận lắm, giận rất lâu. Tôi vẫn nhớ, tôi quyết tâm sẽ mua cho bố một chiếc xe, tất nhiên lý do thật sự là vì tôi quá yêu bố, quá ngưỡng mộ bố, tôi muốn chiếc xe tốt nhất phải làm người hầu cho bố. Bố tôi chẳng tin tôi mấy. Tôi từ nhỏ chỉ là một đứa trẻ rất bình thường, chẳng có năng khiếu gì đặc biệt ngoài việc cãi lại bố. Bố tôi nhớ như in rằng, chiếc đàn organ điện tử mua cho tôi vẫn thường nằm chỏng chơ trong phòng chứa đồ.

Nhưng tôi càng lớn càng khác. Cũng không biết điều gì làm tôi cao quý lên. Sau này tôi tin rằng nhờ có gien di truyền của bố, chúng khiến tôi sinh ra vốn đã cao quý. Người ta thích văn tôi viết. Họ biết tôi hay mặc những bộ quần áo nhỏ xinh kỳ quặc, học rất giỏi. Về sau, càng nhiều người biết đến tôi, yêu quý, cưng chiều tôi như một công chúa. Mọi người đều tin tôi sẽ có một tương lai xán lạn. Bố tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra tôi đã bay lên bằng một tốc độ mà chưa bao giờ bố nghĩ tới. Sau cùng là đến cả bố cũng tin rằng tôi có thể mua được xe cho bố, nhưng chính tôi lại không tin vào bản thân mình nữa.

Bởi vì tôi yêu Khaki. Một miếng ve chai phát sáng giữa đêm tối và đống rữa nát.

Lúc đầu tôi sợ lắm. Anh cho tôi nghe nhạc của Tori Amos. Tôi nghe thấy giọng hát của cô ấy hòa lẫn tiếng rít của đầu từ đọc đĩa. Cô ấy như một con tằm nhanh chóng nhả tơ mềm trói chặt lấy tôi. Giết chết tuổi thanh xuân của tôi. Tôi muốn nhìn thấy người phụ nữ đã làm bầu trời của tôi nhuốm đen. Nhưng khi nhìn thấy mặt bìa đĩa nhạc có hình Tori Amos yên bình, âu yếm ôm chú lợn con cho bú dưới ánh nắng mặt trời, tôi kinh ngạc nhận ra rằng, mình đã ở dưới đáy của một hang sâu hoặc dưới một tấm lưới lớn. Nhưng Khaki nói, sai, tất cả đều sai, thật ra là tôi đang ở trong lưới tình của người con trai có tên Khaki. Tôi ngẩng đầu, anh cũng có đôi mắt tuyệt vọng và vô nghĩa như tôi, chúng tôi giống nhau.

Chúng tôi cực kỳ đẹp đôi. Chúng tôi có thể sống vui vẻ chỉ bằng những giấc mơ xinh đẹp, tinh xảo không tì vết. Thường bỏ ra cả buổi chiều để nghiên cứu về quá khứ kinh hoàng của Tori Amos và giọng hát thê lương của cô ta. Anh mà bỏ CD của Cocteau vào máy thì thế nào cũng lại khen ngợi một hồi về giọng hát quyến rũ của cô gái đó. Cũng có khi chúng tôi xem lại Lolita, ba đĩa phim dài lê thê, tôi ngáp lên ngáp xuống, nhưng vẫn rất vui khi cùng anh xem đi xem lại bộ phim đen trắng ướt át này, chốc chốc anh lại lên tiếng ca ngợi Kubrick. Tôi lại bảo, thật ra, anh mà quay những phim ngắn như "Câu chuyện tháng Tư" của Shunji Iwai thì sẽ rất hay. Sau đó, chúng tôi lại cùng công nhận về những khuôn hình miễn chê trong phim của Iwai. Chúng tôi lặn vào trong một bộ phim để sống.

Tôi hay khóc, mỗi giọt nước mắt đều rơi xuống lòng bàn tay anh, nhưng nhiều như mùa mưa Giang Nam, có thể khiến người ta phát ghét. Tôi lại còn thích quán bar và những đêm về sáng, thích những cuộc ra đi không thực tế. Tôi thấy mình rữa ra trong đó. Nhưng tôi vẫn nghĩ, trước khi rữa phải mua cho bố một chiếc ôtô.

Bố tôi giàu, xe của bố không tồi. Nhưng như thế tôi càng đau lòng, vì tôi càng ngày càng xuất chúng, thế mà ngoài cãi bố ra tôi chẳng làm được điều gì. Và rồi tôi bắt đầu bê bết, thậm chí còn có ý định bỏ đi.

Không biết bao nhiêu lần tôi thấy bố chìa tay cố kéo tôi dậy, làm rạng rỡ khóe mắt còn u tối của tôi. Giống như hồi bé cứ đến Tết Nguyên tiêu đưa tôi đi ngắm đèn lồng, bố lại cố kéo tôi lên, bế tôi lên thật cao để có thể sờ vào những chiếc đèn lồng cao nhất.

Tôi ở trên cao như một công chúa, lúc đó tôi chưa là gì cả, nhưng khóe miệng cong lên, cao quý như một nàng công chúa.

Thế nhưng tôi vẫn chưa với tới được chiếc đèn lòng bảy sắc cầu vồng có hình bí ngô, thế là tôi vòi vĩnh, khóc.

Bố nói, không sao, đèn lồng năm nào cũng có, bao giờ lớn lên rồi sẽ với tới. Nhưng bố không biết tôi đã rữa nát trong quá trình lớn lên, tôi rữa nát thành mẩu vụn. Tôi lại càng không với tới chiếc đèn lồng đó nữa. Tôi nghĩ đến món nợ mười chín năm yêu thương với bố, đến niềm hi vọng đặt vào cô công chúa của bố và những mô hình ô tô Hàn Quốc giấu bố đem tặng bạn trai.

Nên trước khi học đại học, trước khi rữa nát đến không còn hình dạng, tôi phải sống tốt lên, phải hướng về phía đèn lồng mà xuất phát.

Sự trưởng thành thật sự đã diễn ra chỉ trong một đêm bình thường. Rất rất nhanh, toàn thân mọc thêm xúc giác, muốn sờ những vật chất quý báu, ham muốn đã kéo tôi ra khỏi dòng chảy phim ảnh và âm nhạc, thay cho tôi bộ quần áo mới khô ráo. Ngạc nhiên hơn cả là tôi đã quên ngay tôi từng ướt át.

Cuối cùng tôi hiểu ra, vật chất có thể biến tôi trở thành cao quý, có thể biến tôi về hình dạng như cũ, bố không hay biết quãng thời gian rữa nát trong tuổi thanh xuân của tôi, tôi vẫn là một công chúa.

Tôi lặng lẽ rời khỏi Khaki.

Ban ngày chúng tôi có khi gặp khi không, nhưng đêm đến vẫn là những cuộc điện thoại nghe tiếng kim loại đó. Tiếng leng keng. Tôi thừa nhận mình dựa dẫm vào âm thanh đó, nhưng tôi biết nó làm vết thương tôi khó lành, nó sẽ làm vết thương tôi loét ra, khiến nó tiếp tục rữa nát.

Tôi nghĩ, thật ra tôi biết, Khaki có ý nghĩ muốn đưa tôi đi, chỉ riêng điều đó là quá đủ. Tôi không thể đi với anh được nữa. Vì tương lai của anh còn lơ lửng, anh còn chưa lớn, tôi không thể đợi được, tôi muốn mua xe cho bố thật nhanh, đó là sự nghiệp của riêng tôi, mãi bây giờ tôi mới ý thức được điều đó.

Tôi mất tích một thời gian, vùi đầu học. Handphone của tôi vẫn reo vào lúc 11giờ, tiếng rơi của tiền xu, không còn gì khác, anh cũng chẳng hỏi tôi đang ở nơi nào. Nghỉ cuối tuần về nhà thấy có túi CD to, những ban nhạc tôi nhớ nhung. Nhưng không một lời nhắn nhủ.

Tôi quyết định đi học tại trường đại học nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm trên xích đạo.

Cuối cùng, vào một đêm trước khi mùa đông đến Khaki gọi điện, tôi đột nhiên cất tiếng nói. Tôi nói, Khaki, em phải đi. Tôi vẫn chẳng nghe thấy anh nói gì, chỉ có tiếng thở dài nặng nề, rồi tiếng tiền xu rơi. Vẫn rơi như những ngày trước, âm thanh chậm rãi, thuần khiết, rơi xuống.

Tôi không còn nhìn thấy bàn tay của người con trai đứng ở đầu ngõ, giơ lên trong không trung, chần chừ muốn kéo bàn tay cô gái đi.

Rất lâu rất lâu sau này, tôi mới hiểu, cho dù là những vật chất rực rỡ nhất, cũng không hấp dẫn bằng bàn tay ấy. Tôi sẽ không bao giờ biết nơi mà bàn tay ấy sẽ dắt tôi đến, nhưng nơi đó có khuôn mặt hạnh phúc.

Sau khi đến thành phố nằm bên cạnh xích đạo này, tôi hay mơ xích đạo rạch một đường qua thành phố, tôi đoán có lẽ nó đang hoài niệm dĩ vãng về một khuôn mặt vỡ nát mà tôi gọi là hạnh phúc.

năm

Tôi ở đây.

Tết đến, tôi muốn tìm một trò giải trí vừa "sung" lại vừa rẻ.

Thế là tôi đi xỏ lỗ tai. Cửa hiệu tối om om. Chủ cửa hiệu chắc là rỗi rãi quá vì chẳng có mấy khách nên xỏ lỗ khắp mình. Cái thì đẹp như hoa, cái thì xấu như sâu bọ.

Tôi được đặt ngồi trên một chiếc ghế cao. Trước khi anh ta bắt đầu, tôi yêu cầu anh rời khỏi chỗ hai lần. Một lần vì cửa hàng bật nhạc heavy metal làm mỗi sợi dây thần kinh của tôi đều hoạt động quá mạnh mẽ, chốc nữa sẽ làm tôi đau, nên tôi muốn anh tắt nhạc đi. Sau đó, tôi lại đề nghị anh đóng cửa, tôi không muốn người khác ngắm nhìn tôi đau đớn.

Tôi ngồi trong bóng tối mờ. Tôi nhớ lại Khaki nói sẽ mua cho tôi đôi bông tai bằng xương cá, tôi thấy các thứ Khaki tặng đều làm tôi đẹp lên bội phần, tôi cười mãn nguyện. Quên cả đau.

Thế nhưng, đôi tai làm tan vỡ giấc mơ của tôi. Máu chảy. Tôi và đôi tai ghét nhau. Nhưng tôi vẫn không tha cho chúng, liên tục thay đổi bông tai.

Tôi ấn chốt bông tai vào, rồi thường thì không tìm thấy chỗ chui ra ở mặt tai bên kia. Đôi tai như cái hang ngập tràn nỗi đau bất tận. Lỗ xâu tai như đôi mắt vừa mới mở, nước mắt màu đỏ chảy dài, chúng nhìn tôi oán hận mỗi khi tôi soi gương.

Ngày đầu đến thành phố này, tôi mang theo đôi tai rỉ máu chạy vào chạy ra ga tàu điện ngầm, tôi đem theo một đôi mắt dư thừa, quan sát kỹ lưỡng thành phố này.

Tôi thường chẳng bao giờ xức thuốc. Nhưng sau rồi tôi vẫn kể cho Khaki nghe. Anh liền ép tôi mua thuốc, ngày nào cũng nhắc tôi chữa trị. Anh chính là người hóa giải mâu thuẫn giữa tôi và đôi tai. Thực ra thì vốn đã là như thế, mọi bộ phận trên cơ thể tôi đều rất nghe lời anh, nên trái tim tôi do anh chế ngự, tóc tôi mỗi khi bên anh mới chịu ra sức mọc dài.

Lúc tai vừa mới khỏi, nhận được bông tai Khaki gửi tới, như một thứ cây nhỏ mọc nơi lỗ khuyên tai, thật lạ, lần này chẳng đau gì cả.

Cuối cùng thì đôi tai cũng đã có thể đeo những vòng khuyên lớn hoặc dây khuyên dài. Lúc nằm ngủ, chúng khe khẽ hát. Tôi nghe thấy chúng nhắc đến Khaki muôn vạn lần.

sáu

Khi tôi ra đi, thành phố thân yêu đang có tuyết nhỏ, tôi và Khaki ngồi trên đu quay khổng lồ. Vòng đu quay trông thật tiêu điều vì chỉ có hai chúng tôi. Tôi thấy nó chẳng còn giống so với hồi tôi còn nhỏ. Thực ra nó quay rất nhanh, từng vòng, từng vòng rõ rệt như những vòng tuổi của cây. Khaki nói, thật ra em nên đợi anh thêm một chút, anh sắp quyết định ra đi rồi. Sẽ đưa em đi cùng.

Lúc đó, vòng đu đang quay đến điểm cao nhất. Cuối cùng tôi đã lại nhìn thấy giấc mơ chạy trốn của tôi treo lơ lửng trên trời xanh như đám mây rời rạc tan nát kia. Tuyết rơi, nhẹ nhàng xóa nhanh lời anh hứa.

Tôi cười nhạt.

Chẳng còn nhớ là ai đã tạm biệt ai.

bảy

Tôi ở đây.

Lúc tôi xem lại "Rừng rậm Na-uy" bản tiếng Anh, lại bần thần trước câu nói đó:

Kizuki chết đi, Haruki Murakami viết, chỉ có người chết vĩnh viễn mười bảy tuổi.

Đọc khi mười bảy tuổi, tôi chỉ biết yêu mỗi tuổi mười bảy. Thực ra, tôi đã vẫn rữa nát, nhưng cũng đã vẫn vươn lên.

Giờ đây đọc lại câu nói đó, tôi đã mười chín tuổi. Tôi đang sống và già đi một cách thuận lợi và trôi chảy. Bây giờ thì tôi hiểu, lúc vòng đu quay đến đỉnh là lúc tôi ở trên một đỉnh cao của cuộc sống, lúc đó mà kéo Khaki nhảy xuống thì tôi đã thực hoàn hảo, không bao giờ già lão.

Khaki vẫn gọi cho tôi vào 11 giờ đêm, tiền xu quá nhiều, anh đã thay ống đựng, tiếng rơi trong ống đựng mới nghe rỗng tuếch, khiến tim tôi thắt lại. Hằng tháng anh vẫn gửi CD cho tôi, tôi nghe CD là biết hiện tại anh đang thích nghe nhạc gì. Về sau này là ca kịch. Tôi không thích sự nặng nề trong đó. Có cái gì đã thay đổi.

Đầu xuân, anh kể đã mua cây đàn guitar của cô bé bán CD, anh đã có hơn chục thính giả cố định.

Giữa xuân, anh kể có người nói anh đã đẹp trai hơn, bởi vì anh đã trưởng thành.

Cuối xuân, anh kể, anh làm part-time ở đài phát thanh nên kiếm được một số tiền. Bây giờ Kenzo đối với anh là quá rẻ.

Cuối cùng tôi đã đợi được cuộc điện thoại không như thường lệ. Vẫn là tiếng tiền xu rơi. Nhưng ngày đó có âm thanh của rất nhiều xu. Hai thành phố đều đang mưa. Tôi nghe rõ mồn một tiếng của muôn vàn đồng tiền rơi, ồn ã.

Sau cùng Khaki cất tiếng nói, anh sẽ yêu em nhiều năm, nhưng trước mắt anh đã thực sự quyết định đi xa, nên anh bỏ luôn vào trong ống tiền xu của nhiều năm sau.

Không còn tiếng nói, chỉ có tiếng xu rơi, leng keng, leng keng, tôi chưa bao giờ chứng kiến một trận mưa ào ạt đến như thế.

Tiền xu ào ạt xuất hiện làm vết thương đã lành của tôi một lần nữa lại bật tung.

Vẫn có rất nhiều CD gửi đến.

Nhưng lần này nhiều CD quá. Bưu điện trung tâm gọi điện bảo tôi đi lĩnh. Tôi vác một túi CD cực to xuống tàu điện ngầm.

Lúc tàu điện ngầm đi từ dưới lên trên mặt đất là lúc tôi vừa đọc hết thư của Khaki.

Khaki nói, CD là anh và cô bé trong ngõ nhỏ cùng tặng em. Cô bé muốn đi xa cùng anh nên đã đóng cửa hàng.

Tàu điện ngầm gặp ánh sáng. Tôi ngước mắt nhìn lên. Hóa ra là như thế. Nói anh đẹp trai chắc là cô bé đó rồi, tôi cũng muốn nói, nhưng mãi vẫn chưa nói. Cô bé chắc chắn cũng làm thính giả nghe guitar của anh, tôi đáng lý cũng nên ở lại nghe, nhưng tôi lại đang ở đây. Anh không dùng Kenzo nữa chắc là vì cô bé không thích nhãn hiệu đó. Điều này thì tôi không thể đồng ý được, chẳng lẽ có một ngày, nước hoa Kenzo bằng giá với dầu đuổi muỗi.

Khaki cuối cùng đã lớn, cuối cùng anh đã đi xa.Nhưng cánh tay giơ lên đó không phải để chạm vào tay tôi. Anh lớn lên đột ngột như tàu điện ngầm của Singapore bất ngờ chui từ lòng đất lên trên mặt đất, tôi không thể chịu nổi ánh mặt trời chói chang, nên quyết định xuống bến sau. Giống như đã rút lui giữa chặng đường anh trưởng thành.

Chỉ có điều, vì sao tôi lại sống trong quãng thời gian dưới lòng đất u tối của anh.

Tôi xuống khỏi tàu điện ngầm xong quyết định chạy bộ một quãng. Chạy để cho mái tóc và vạt váy được bay trong gió. Tôi không còn bàn tay nào để nắm lấy, tôi chỉ có hàng đống CD va đập vào nhau trong túi nilon trắng. Chúng làm tôi nhớ lại cửa hàng nhỏ ở cuối ngõ. Như một cái hang u tối, đã ngầm ám chỉ về tương lai.

Chỗ CD này nặng quá, tôi không chạy nổi nữa. Tôi dừng lại một góc, lòng đau đớn khôn nguôi.

Khaki và cô bé đi du lịch rồi, mà tôi thì lại ở trong cái hang tối của cô bé. Tôi thấy mình giống như con chó canh cửa cho hai người. Một con chó cứ nghe thấy tiếng tiền xu rơi là lòng lại đớn đau.

MÈO ĐEN KHÔNG NGỦ - Trương Duyệt Nhiên - Tập truyện ngắnWhere stories live. Discover now