Tùng - 01

57 11 2
                                    

Tôi tên Lâm Thanh Tùng, mười lăm tuổi, học sinh lớp 10B trường Trung học phổ thông S. - một trong những ngôi trường hàng đầu của thành phố Hà Nội này.

Con người mà tôi sắp nhắc đến dưới đây, có lẽ tôi còn chẳng phải nói nhiều đến thế về ông. Nhà biên kịch Lâm Chí Bách, một người nghệ sĩ đầy tâm huyết và hết sức thành công. Một người giáo viên chung thủy, cả cuộc đời từ lúc khốn khó đến lúc sang giàu chỉ gắn bó với duy nhất một ngôi trường.

Và cũng là ông nội của tôi.

Người thân duy nhất, người đã nuôi nấng tôi từ ngày bố mẹ tôi về với Trời khi tôi còn tấm bé.

Giả như bí mật ấy bằng cách này hay cách khác len lỏi tới tai những người bạn cùng lớp mà tôi yêu quý, hẳn là trước sau gì tin tức ấy cũng sẽ trở thành một tin nóng đến giật gân của toàn trường. Và kèm theo đó chắc chắn sẽ là muôn vàn lời dị nghị khó nghe bổ xuống đầu tôi sau những tháng ngày bình yên trên lớp như cách nắng hè Hà Nội nướng cháy da người sau những ngày mưa rào dịu mát. Bảy triệu rưỡi con người đang bám lấy mảnh đất nghìn năm văn hiến này, tám mươi ngàn đứa trẻ đồng lứa với tôi (*), sáu trăm con người học tập và làm việc bên trong hai cánh cổng ngôi trường S., hỏi có bao nhiêu người trong lòng chưa từng một lần ngờ vực về sự trong sạch của nền giáo dục này? Sự thật ư? Tôi chỉ có được một chỗ đứng trong ngôi trường này theo cách hoàn toàn trong sạch hệt như bao bạn bè tôi mà thôi. Điều duy nhất được dàn xếp chỉ là tôi và người con gái ấy sẽ học trong cùng một lớp, và ông tôi là giáo viên lớp học ấy. Cái gì đã dẫn đến sự dàn xếp đó, đó là một câu chuyện dài, nhưng là câu chuyện đời mà đến giờ này tôi đã biết mình không thể không tiết lộ.

Quả thực, trên lớp ông cháu tôi coi nhau như người xa lạ, nhưng mười lăm năm nay, chỉ có mình tôi hiểu hết những suy nghĩ, trăn trở nơi ông. Tất cả bắt đầu từ một chuyến đi châu Âu gần năm mươi năm trước, thời ông còn trai trẻ. Chuyến đi ấy đã gieo vào đầu óc ông biết bao mê say, kính phục và tò mò với cả một nền văn hóa, lịch sử, chính trị rực rỡ sắc màu bị bao phủ trong bóng tối bí hiểm của quyền lực và danh vọng nơi trời Tây. Thật là những điều xa lạ biết mấy, những điều tưởng như chẳng đời nào được màng đến bởi những con người Việt Nam thời ấy vẫn còn chìm trong nghèo đói, lo âu vì vận nước...

Trở về Việt Nam, ông bắt đầu viết kịch. Nào ai biết được về sự say mê văn hóa Âu ấy của ông, vì ông đã giấu giếm tất cả mọi người. Những vở kịch giản dị, hợp thời thế, thị hiếu cứ thế ra đời, đưa ông từ một thầy giáo trẻ trở thành ngôi sao đang lên của sân khấu kịch nước nhà. Nhưng đâu ai hay, đằng sau những công trình ban đầu ấy là một ước mơ, toan tính được ấp ủ kĩ càng. Một "dị mộng" vốn dĩ là điều tối cấm kị trong những tháng năm khó khăn, ngặt nghèo ấy - vì nó đẹp đẽ quá, lộng lẫy quá, phóng túng quá... Giấc mơ về vở kịch "Cantarella - Độc Dược Màu Lam", một kịch bản phản ánh tất cả những gì ông đã nghe, thấy, tìm hiểu ở trời Tây, từ những gì xa hoa, hào nhoáng nhất đến những dục vọng nhuốc nhơ không tài nào ngờ tới nổi.

Nhưng liều thuốc của cấm kị giết chết làm sao được cái khát vọng tuổi trẻ nơi ông. Trái lại, nó lại càng hun đúc trong ông khao khát hoàn thành vở kịch của đời mình. Ông hết viết rồi lại sửa, sửa tới sửa lui... Ngày qua ngày, trong đầu ông càng ngày càng rõ mồn một từng khung cảnh, từng câu nói, từng ý tứ mà ông sắp đặt, tới lúc ông thuộc làu làu cả kịch bản mình viết ra từ lúc nào không biết. Ba, bốn thập kỉ trôi qua, ông lao động hết mình cũng chỉ để tích cóp sao cho đủ khả năng tự dàn dựng vở kịch ấy theo ý mình, không bị một ai chi phối. Thật vậy, ông ích kỷ tới mức không cho phép một ai vượt ra ngoài khuôn mẫu, làm thay đổi kịch bản mà mình đã ghi nhớ trong đầu. Đó cũng là lý do tại sao ông ám ảnh với những chuẩn mực đến như thế, nổi điên khi không được thấy sự hoàn hảo không chỉ trong các vở kịch ông tham gia dàn dựng, mà còn trong tất thảy mọi việc trên đời - từ những công việc của riêng mình đến những việc của người khác mà ông có quyền can dự. Đối với lũ trẻ chúng tôi, ấy là cách chúng tôi cư xử trước mặt ông, những bài văn trên lớp, cách câu lạc bộ vận hành,... và đặc biệt là vở Cantarella mà ông giao phó lên vai những thành viên Music Club mà nhà trường giao ông quản lý.

Dị Mộng ~ Độc Dược Màu Lam ~Where stories live. Discover now