Tùng - 02

52 12 0
                                    

Nhiều người nói có được một cuộc sống như tôi thật là điều vô cùng may mắn.

Quả thật thế, nhìn vào cuộc sống ấy, ai dám bảo rằng tôi thiếu thốn thứ gì? Được nuôi nấng bởi một người ông nội mẫu mực, giàu có, nổi tiếng đến nhường ấy. Gia đình truyền thống có học thức, lại được ăn học đàng hoàng ở một trong những ngôi trường tốt nhất Hà thành. Chỉ việc học và theo đuổi đam mê trinh thám, lập trình - thế đã là an nhàn hơn biết bao bạn bè cùng lứa.

Nhưng nào ai hiểu cho tôi...

May mắn ư?

Cuộc sống ư?

Vốn dĩ tất cả đã chẳng tồn tại ngay từ đầu.

Giá như bây giờ tôi có thể đem đổi chác "cuộc sống" này để có được một cuộc sống của bất kì ai, tôi cũng sẵn sàng. Kể cả đó có là cuộc đời bần hàn, cơ cực nhất.

Vì có gì đó, dù chỉ một chút thôi, còn hơn là chẳng có gì.

Ông Trời cho tôi một người ông nội nhất nhất tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo. Tôi nào có quyền lựa chọn. Ngay từ khi Trời và mẹ cha cho tôi nhận thức và biết cảm thông, tôi đã thấy rõ ràng gánh nặng ông đặt lên vai tôi tự khi nào. Ông lúc nào cũng nói, ông chỉ muốn tốt cho tôi mà thôi. Ông muốn tôi lớn lên thành một con người không một chút khiếm khuyết. Tất nhiên, theo đúng kiểu của ông. "Cây non dễ uốn", và một khi ông đã bắt tay vào uốn, ai mà ngăn cản nổi. Bố mẹ tôi ư? Giờ tôi không trách họ, vì giờ nghĩ lại, họ đã khốn khổ đủ rồi. Hoặc khi Trời cướp họ khỏi tôi, tôi vẫn còn quá bé để biết thế nào là trách móc. Bố tôi chỉ đơn giản đồng ý với ông, vì nhờ sự hà khắc ấy mà bố tôi mới trưởng thành. Còn mẹ tôi, không nằm ngoài quy luật xưa nay, bà bị chèn ép bởi nhà chồng.

Việc đầu tiên là ông muốn tôi tiếp nối cái truyền thống có học thức của dòng họ xưa nay. Vì lợi ích của tôi cả, "học cho mày chứ học cho ai", ông nói vậy. Chín năm nay rồi, mỗi khi điểm số có thấp tí ti, tôi vẫn thường bị ông đem đũa cả vụt tới tấp vào người, nghe ông chì chiết bằng những lời đại loại chẳng biết thực hay hư: "Mày học hành như thế đấy hả? Uổng bao nhiêu công ông đọc sách cho mày nghe từ hồi mày còn ẵm ngửa!". Hồi bạn bè mới vào lớp Lá, còn trầy trật khi cô giáo mầm non tập cho làm quen với mặt chữ, ông đã tự mình dạy cho tôi đọc vanh vách. Những trang nhật kí đầy nước mắt của mẹ tôi từng viết, hồi xưa, nhắc đến chuyện cho tôi đi nhà trẻ trước mặt bố mẹ tôi, ông cứ mắng: "Nhà có thầy giáo đây rồi, đi trẻ làm gì cho tốn tiền! Chúng mày đi làm thì để thằng cháu đích tôn của tao ở nhà tao dạy!".

Rồi cha mẹ mất cả trong một tai nạn khi tôi còn chưa vào lớp Một. Quyền dạy dỗ tôi giờ vào cả tay ông. Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để biết rằng địa ngục của tôi mới thực sự bắt đầu từ đấy...

Hồi tiểu học, chỉ lúc đến trường tôi mới được bình yên đôi chút. Tôi đã quen dần với chuyện ông đến tận lớp đón tôi về nhà đúng giờ chằn chặn, và đã bước vào nhà là tuyệt nhiên không đi đâu hết cho đến sáng hôm sau. Tôi nài nỉ ông cho ở lại chơi với bạn bè thêm mấy phút, ông cũng mặc. Ở nhà thì thật chán. Ông tôi làm tất tật việc nhà, lại suốt ngày đọc, viết, lên mạng tìm tòi, chẳng bao giờ chơi đùa cùng cháu; làm phiền đến ông là tôi ăn đập. Mà kể cả khi tôi chẳng có việc gì để làm, ông cũng lại vụt tôi, tức khắc lôi tôi về bàn học: "Mày rảnh rỗi, không có việc gì làm thì học đi. Học xong rồi thì đi mà đọc sách. Nhà thiếu gì sách vở, hả? Học cho mày hay học cho tao?". Thôi thì cũng được. Ừ thì nhà tôi đầy sách thật. Nhưng ông tôi bận quá; tôi đọc cái gì, có phù hợp với lứa tuổi hay không, ông chẳng quan tâm. Cũng tại ông quản chặt, mà bạn bè tôi chỉ vừa đủ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Tính tôi cũng sinh ra lầm lì, ít nói. Bình yên của tôi vì thế mà cũng dần dần trở thành một thứ xa vời; cô giáo lại trù dập tôi vì tôi lầm lì thế, nhưng học hành thì lại hơn các bạn, và vì ông tôi cứ đến kì họp phụ huynh là lại mắng cô vì lớp bẩn, quỹ lớp đắt, cháu học kém, trời ơi đất hỡi là lý do. Tôi kể lại ông nghe, ông chỉ bảo, ông khắt khe vì muốn cháu được học trong môi trường tốt nhất, nếu không thì cũng gọi là từng trải chút khó khăn để đến được thành công mà thôi. Thuở ấy, tôi tin ông.

Dị Mộng ~ Độc Dược Màu Lam ~Where stories live. Discover now