Tùng - 07

46 10 1
                                    

Tôi dọn dẹp đống hỗn độn trà sữa muối bạc, rồi đi lấy lại lọ dung dịch mà tôi giấu gần phòng thí nghiệm. Tôi vừa nhét được nó vào trong cặp sách thì ông tôi về đến nhà thể chất. Tất cả lại vào một guồng quay trôi chảy như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Buổi tập vẫn trơn tru, nửa tiếng, một tiếng, rồi một tiếng rưỡi... Chị Mai và anh Phong càng tập lại càng hăng say và nhuần nhuyễn. Nhưng chỉ có ông tôi là càng lúc tỏ ra khắt khe và cáu bẳn.

Tất cả mọi người đều chẳng hiểu hai anh chị đã làm sai điều gì, và đều khó chịu vô cùng nhưng chẳng ai dám ý kiến, cũng không ai hiểu vì sao thầy đột nhiên như thế, chỉ trừ tôi. Đơn giản mà. Thoạt tiên, ông tôi vẫn còn bình tĩnh, còn nén lại được cái nôn nao, sốt ruột trong mình. Nhưng rồi sau gần một tiếng, ông tôi lại đang sửng sốt ngạc nhiên trước sự thật rằng hai anh chị vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Bởi kể cả hai anh chị chỉ uống đến lưng chừng cốc trà, thì lượng muối độc họ nuốt vào cũng đủ để họ đau bụng quằn quại và không thể không nhập viện sau nhiều nhất là vài chục phút. Một tiếng rưỡi sau, ông đã không thể không thừa nhận rằng kế hoạch của mình vừa thất bại. Ông giận dữ, bực bội, thất vọng vô cùng, cứ đi đi lại lại, quát nạt ầm lên, mặt đỏ gay. Ông lại nghĩ đến cái cảnh mà mình tưởng tượng, rằng đáng lẽ giờ này hai anh chị đã phải nhập viện vì ngộ độc. Rồi nào thì giải độc, nào thì rửa ruột, rửa dạ dày, chữa lành những tổn thương ống tiêu hóa, rồi còn hồi sức, ít nhất cũng phải mất hai hay ba tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không thể nào đồng hành cùng vở kịch. Còn ông ư? Đơn giản, đổ lỗi cho quán trà; xã hội, như thường lệ, sẽ lại bu vào mà công kích cái thứ đồ uống "Tàu", "đắt đỏ nhưng toàn hóa chất" ấy và những người ham thích nó. Thế mà bây giờ tất cả đều hỏng sạch!

Cả chặng đường về nhà, hai ông cháu tôi chẳng nói với nhau câu nào, ông lại cứ nhìn tôi tức anh ách. Chắc chắn ông biết rằng tôi đã phá. Còn ông có phân biệt được tôi phá có chủ đích hay không thì... tôi chịu. Mà quả thật, vừa về đến nhà, ông đã thẳng tay đóng sầm cửa lại, rồi chộp ngay lấy cây gậy tre bên cạnh cửa vẫn thường dùng để treo cờ Tổ quốc ngoài ban công mỗi dịp lễ tết... Cái gì đến cũng phải đến, ông vừa quát vừa vụt tôi một trận tối tăm mặt mũi. Trong đời tôi, cơ thể này chưa từng bị đánh đau đến thế. Tôi nằm vật ra sàn nhà, cố ngóc đầu lên mà chẳng được. Máu tôi ri rỉ ra từ từng chỗ rách da vì bị cây gậy kia xé toạc, từng vết xước mà những mấu tre, gai tre cọ vào, thấm cả vào lá cờ đỏ sao vàng.

"Ông đánh mày không oan đâu, ông biết hết rồi đấy. Mày tưởng năm chục đứa nằm ngồi lăn lộn xung quanh mày hôm nay đều mù hết hay sao? Đứa nào làm đổ trà sữa hả, mà giờ còn kêu la khóc lóc?"

"Tấm lòng của ông với các anh chị mà mày còn dám phá, mày đối xử với ông mày thế đấy à? À không... Nói đi! Mày vô tình hay cố ý hả thằng trời đánh? Ích kỉ nó vừa vừa thôi!"

"Giời ơi giời có thương tôi không? Tôi tốn bao nhiêu công dạy dỗ cháu tôi đi đứng cư xử cho đàng hoàng phải phép, mà sao cháu tôi giờ nó lại hậu đậu hư hỏng thế này!"

...

Không thể tránh khỏi những lúc đau quá, tôi phải gào lên. Nhưng phần lớn thời gian, tôi trơ lì chẳng khác nào khúc gỗ, như trong bao nhiêu trận đòn của ông tôi từ trước tới giờ. Tôi không khóc. Khóc làm gì, khi đây là chuyện thường ngày? Khóc làm gì khi tôi mới là người chiến thắng? Đã là một cuộc chiến tranh, thì bên thắng hay thua đều phải chịu tổn thất. Đó là lẽ thường, chẳng việc gì phải đau buồn.

Dị Mộng ~ Độc Dược Màu Lam ~Tempat cerita menjadi hidup. Temukan sekarang