CHƯƠNG 76: TỬ GIÁN*

2.2K 228 12
                                    

(*) Lấy cái chết để can gián

Ta tin ở người



Sớ tấu của Tô Nhiếp như một viên đá cuội ném vào giữa mặt hồ, khiến cho triều dã nổi sóng mấy phen, khiến cho lòng người hoang mang không hiểu. Hoặc là yên ắng dò xét, hoặc là lập tức dâng sớ hoạch tội Tô Nhiếp làm loạn quốc bản, hoặc dâng sớ can gián Hoàng đế không thể thông thương Hải Châu. Dù cách thức ra sao, mục đích cũng chỉ có một – phản đối chuyện thông thương với Tây Dương.

Nhưng rồi cũng như bao đời lịch đại xưa nay vẫn vậy, trong buổi cải tổ chính trị sẽ luôn có phe phái. Có phe kháng nghị phản đối, ắt sẽ có phái ủng hộ tán thành. Chỉ có điều khiến Đường Oanh ngạc nhiên, ấy là số người ủng hộ tán thành sớ tấu của Tô Nhiếp, thực chất lại nhiều hơn dự đoán thấy rõ. Những người trẻ tuổi, đôi mắt có tầm nhìn, bộ óc có trí tuệ, hơn cả ấy là cõi lòng không tư tâm – tỷ như Chung Cố và Vệ Dung đây, đương nhiên sẽ ủng hộ Tô Nhiếp. Công tượng Hải Châu không thể làm được hỏa thương đạt đến trình độ chế tác cao như thế, đương nhiên binh biến là điều bất khả thi, vì đại cục mà nhìn ra, ắt sẽ phải gạt đi đám người thủ cựu bài tân.[1]

[1] Khư khư cái cũ, bài xích cái mới.

Thế nhưng lúc này làn sóng phản đối như sóng cuộn kinh đào, xử lý thiếu khéo léo tất sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Thế cờ chính trị cốt là tiến lui đúng lúc, đôi khi chẳng thể dứt khoát một đường, lại chỉ có thể nước ấm nấu ếch mà thôi.

Bởi vậy, tin tức động tĩnh ở nơi Ngự tiền trở nên càng thêm kín kẽ, dường như nhất cử nhất động cũng không thể lọt được ra ngoài. Chỉ thấy ước chừng suốt nửa tháng sau đó môn hạ của Tô Nhiếp liên tiếp bị biếm trích giáng cấp, trên dưới lấy hành động ấy coi như ý tứ của quân thượng, chẳng lâu sau sóng dần yên, biển cũng dần lặng. Chỉ có điều sóng yên biển lặng thêm hơn nửa tháng sau đó, chợt chẳng biết vì đâu mà gió lại đổi chiều, quan lại môn hạ của Tô Nhiếp vừa bị biếm truất đã được phục chức hồi kinh, mà cũng cùng lúc đó, vài đại thần Lục bộ khi trước phản đối chuyện thông thương lại bị Ngự Sử đài dâng sớ kể tội, để Hoàng đế lấy ấy làm lí do, hạ phẩm biếm chức.

Diễn biến quá nhanh, không kịp theo dõi phân tích, ý tứ của người trên ra sao cũng chẳng mấy ai nắm được, rốt cuộc cũng đành im lặng cho mọi sự êm xuôi. Gần một tháng sau đó tiền triều lại yên bình trở lại, Văn đông Võ tây cũng chỉ coi một tràng sóng gió vừa qua là cách Hoàng đế trấn áp tranh luận mà thôi, tránh cho họa thù trong giặc ngoài.

Nhưng cũng chưa kịp yên ả bao lâu đã có thêm chuyện lớn. Tam triều nguyên lão, An Quốc công Tả tướng Tiêu Thận đột ngột dâng sớ, từ quan thoái ẩn.

Đối với chuyện thông thương, Tiêu Thận vốn cũng chẳng rõ ý khen chê. Không tỏ ý khen chê, nhưng thân là cựu thần, Tiêu Thận vẫn luôn là niềm tin của những người theo phái thủ cựu bài tân, tin rằng chỉ có Tiêu Thận mới có thể cản tay tên Hữu tướng trẻ tuổi bốc đồng Tô Nhiếp kia. Nay Tiêu Thận đột ngột từ quan, trong triều không còn người ngang hàng bằng vế mà đối kháng với Tô Nhiếp, mắt nhìn quân thượng trẻ tuổi vốn cũng thân thiết với Hữu tướng, chẳng cần suy tư cũng có thể linh cảm thấy chuyện gì sẽ xảy ra.

[BH] [EDIT HOÀN] LƯỠNG ĐÔ KÝ SỰ - LỤC NGỘWhere stories live. Discover now