CHƯƠNG 79: KIM LĂNG

2.4K 224 18
                                    

Toạ trấn Kim Lăng, Cửu Châu quy phục


Kim Lăng và Yến Kinh cách nhau vạn dặm, dù có gấp rút chuẩn bị, ngày đêm rong ruổi, ít cũng phải mất mười ngày. Tin tức điềm lành giáng xuống Kim Lăng vừa lan rộng bao lâu đã thấy quan lại theo nhau nhập kinh, có lẽ cũng thực nóng lòng nhân dịp này, mở rộng quan lộ. Điềm lành, lớn thì là Hà Đồ, là Lạc Thư, nhỏ thì là kỳ hoa dị thảo. Thân là quan phụ mẫu, dùng điềm lành trời ban như chiến tích, đương nhiên cũng chỉ có thể được khen ngợi vài câu, thưởng chút bổng lộc mà thôi, sao có thể mong gì nhiều hơn thế?

Lại nói, điềm lành giáng xuống Kim Lăng rốt cuộc là thứ gì, chuyện này lại phải tra lại đầu đuôi, cũng từ vị cao đạo có tiếng, tên họ Viên Tất kia mà ra.

Viên Tất xưng là bậc cao nhân, dạo chơi tứ hải, ăn gió uống sương, bầu bạn cùng nhật nguyệt. Có một đêm kia, vừa ngả lưng say giấc đã mộng thấy một tiên nhân, tiên nhân chỉ điểm dẫn đường, nói rằng phải tới thành Kim Lăng. Lặn lội tới Kim Lăng rồi lại chẳng còn vết tích, bèn cúng bái tròn bốn mươi chín ngày, thành tâm phơi mưa phơi nắng, đến độ đổ bệnh một phen. Đang khi lang thang ra đến ven thành, đi được hơn trăm dặm, sau mấy bận chìm nổi tìm kiếm, cuối cùng nhìn thấy một tấm bia đá lấp trong nơi cây lá xum xuê, cách hồ nước xanh ngắt cũng không xa.

Trên ấy khắc ba dòng: "Vật của Thiên tử, tọa trấn Kim Lăng, Cửu Châu quy phục."

Viên Tất kinh hoảng, giật mình ngước mắt nhìn lên, chợt nghe sau lưng vang lên tiếng động lớn, mặt đất như rung lên. Lại dõi mắt nhìn về nơi hồ nước, thấy nơi ấy có mai rùa nổi lên, chắc nhẩm ấy chính là Thần Quy rồi, bèn nhìn theo không dám chớp mắt, chẳng bao lâu thì Thần Quy lặn xuống, biến mất.

Cổ thư chép, Đại Vũ trị thủy nhờ có Thần Quy tương trợ, bao đời nay Thần Quy vẫn luôn tượng trưng cho điềm lành.

Viên Tất vừa mừng vừa lo, không dám vọng động tùy ý, báo lên cho Bố chính sứ Kim Lăng, sau cũng là do Bố chính sứ Kim Lăng báo lên cho triều đình.

Năm mới vừa đến trời đã giáng điềm lành, cho dù có thực sự khai chiến với Lãng Cơ quốc, biết đâu thần linh lại phù hộ che chở? Ấy là điều mấy vị đại thần cao tuổi suy nghĩ, cũng không ít người suy tư, vậy thì bia đá kia nên giữ ở nơi đâu?

Minh Đường là nơi Thiên tử tế tự, theo lệ, những vật như vậy vẫn là nên đưa vào Minh Đường. Nhưng như vậy chẳng phải là trái ý trời đó sao, bia đá phải trấn ở Kim Lăng, Cửu Châu mới quy phục. Nhưng Thiên tử ở đâu, Minh Đường ở đó, sao có thể xây Minh Đường ở Kim Lăng? Như vậy không hợp lễ chế. Việc này quả thực khó quyết định, mọi người xôn xao mấy ngày, vẫn là chưa có phương án cuối cùng cho toàn vẹn đôi bên.

Cho đến một lúc kia, có một sớ tấu thỉnh dời đô Kim Lăng, như thế liền có thể danh chính ngôn thuận xây Minh Đường, nghênh bia đá.

Triều dã nổi sóng.

Dời đô không phải chỉ là chuyện của một đời vua, mà là chuyện của cả triều đại. Hơn nữa Kim Lăng, vùng đất này xưa nay không phải đất của Thiên tử. Lật lại lịch sử, những triều đại trước định đô ở Kim Lăng, nghiệp đế vương cũng tàn lụi ở Kim Lăng. Trùng hợp như thế, không thể nào có cách suy luận khác, ngoài long mạch đất Kim Lăng không hợp vương quyền, không nên định đô.

[BH] [EDIT HOÀN] LƯỠNG ĐÔ KÝ SỰ - LỤC NGỘWhere stories live. Discover now