CHƯƠNG 79: TRỪ TỊCH

69 10 0
                                    

Lai lịch của bức Trừ Tịch diệt ma đồ, đến nay Tiêu Nam Chúc vẫn có thể hồi tưởng lại cảnh tượng lúc anh và Hoa Triêu xông vào địa cung khi ấy, tuy rằng trong đó có nhiều yếu tố trùng hợp, nhưng xem xét kỹ lưỡng thì vẫn có chiều hướng đã được định sẵn bên trong vận mệnh. Mặc dù sau đó anh đã từ từ biết được lai lịch của văn tự cổ và thân thế của bản thân, nhưng về việc vì sao bức họa này lại xuất hiện ở đó thì vẫn hoàn toàn mờ mịt, người duy nhất hứa hẹn sẽ cho anh một câu trả lời thuyết phục là chuyên gia văn tự cổ lão Dương đã mất tích từ khi tiến vào vùng núi ở tỉnh C. Mà ngoài hàng lạc khoản ghi "Trừ Tịch diệt ma đồ" thì bức họa này chẳng còn manh mối nào Tiêu Nam Chúc có thể nắm bắt, thậm chí bản thân Trừ Tịch cũng không thể cho anh bất kỳ một đáp án nào.

"Trừ Tịch diệt ma đồ..."

Đã không biết bao lần tự tay mở quyển trục này ra, Tiêu Nam Chúc rõ những gì được miêu tả trong bức họa như lòng bàn tay, đây không chỉ bởi anh luôn cảm thấy tò mò vì sao bức họa lại được đặt chung chỗ với những vật báu của Cơ tộc là Lịch pháp kinh và Hắc Long, mà còn do anh cũng thấp thoáng nghi ngờ thứ này có quan hệ gì đó với Trừ Tịch. Song, dù đã ngâm cứu nhiều lần, anh vẫn không tìm ra được chỗ nào bất thường. Thế mà trong lúc vô tình đụng rơi quyển trục đặt trên giá sách xuống đất khi đang nói chuyện với Cốc Vũ, theo góc độ từ trên cao nhìn xuống, Tiêu Nam Chúc nhìn cuộn tranh mở ra, lại cảm thấy khang khác với lần đầu tiên anh nhìn thấy nó.

Thần minh hồng y như lửa đưa lưng về phía ngàn vạn sinh linh, bàn tay và đôi má hắn vẫn đẫm máu tươi và vết bẩn như cũ, trước người cũng là tai họa và yêu ma. Trước đây Tiêu Nam Chúc chỉ cho rằng Trừ Tịch kiên quyết đứng chắn trước những bách tính gặp tai họa bất chấp an nguy của mình là vì để bảo vệ họ. Nhưng khi nheo mắt lại, dừng ngón tay trên cuộn tranh ê hề máu tanh đáng sợ thì bỗng anh lại nhận ra có lẽ mình chỉ mới hiểu bức họa này theo quan điểm chủ quan, và lựa chọn bỏ qua những chi tiết kỳ lạ khả nghi.

Trong tầm mắt, tuy yêu ma tai họa có mặt mũi đáng sợ, nhe nanh múa vuốt, nhưng từ đâu tới đuôi tầm mắt chẳng hề rơi trên người Trừ Tịch, trái lại Trừ Tịch máu me đầy người, thân hình yêu dị, đôi bàn tay trắng thuần vươn ra khỏi ống tay áo đỏ tươi làm một thủ thế kỳ quái hướng về phía tai họa. Nhìn lại ngàn vạn sinh linh dưới áng mây kia, thay vì bảo biểu tình trên mặt họ là sợ sệt và đau khổ thì chi bằng nói đó là sự xen lẫn giữa chán ghét, thù hận và hoảng hốt. Về phần những chán ghét, thù hận và thậm chí là hoảng hốt này là dành cho ai, Tiêu Nam Chúc có dự cảm xấu trong lòng nhìn kỹ dòng lạc khoản bên cạnh lần nữa, cuối cùng anh cũng biết thứ luôn bị mình bỏ qua trước đây là gì.

Vì anh tiên nhập vi chủ(1) xem Trừ Tịch là bên chém giết tai họa, cộng thêm những con chữ trên lạc khoản, nên anh cứ cho rằng đây là một bức tranh miêu tả cảnh Trừ Tịch tận diệt tai họa bảo vệ sinh linh, nhưng bốn chữ "Trừ Tịch diệt ma đồ" nên tách ra thế nào lại là chuyện khác. Chỉ với cảnh tượng trước mắt cũng đã đủ khiến Tiêu Nam Chúc tỉnh táo lại, trong nháy mắt, anh nghĩ ngay đến một phát hiện vào hôm anh cùng Cơ Tể dịch lại quyển cuối cùng của Lịch pháp kinh.

[tiên nhập vi chủ(1) (先入为主): vào trước là chủ; ấn tượng ban đầu giữ vai trò chủ đạo (tư tưởng, quan niệm bảo thủ, cho cái trước là đúng, phủ nhận tư tưởng hoặc quan niệm mới)]

[Edit] Hoàng Lịch SưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ