{ 21.3 } BI XƯỚNG NHƯ PHONG

26 1 0
                                    

🔴 Tác giả:

▪️Tham khảo một phần sử sách nhưng đã thay đổi nhiều, bắt bẻ chi li chính là tôi sai.


🐾🐾🐾


Suốt quãng thời gian còn lại của năm Chí Chính thứ mười tám, Triệu Mẫn theo cha rong ruổi khắp sa trường. Đến tháng năm năm Chí Chính thứ mười chín (1359), họ ráo riết chuẩn bị giành lại Biện Lương. Người nhà Nguyên kỹ càng chép lại: Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ đưa đại quân vào Hổ Lao. Bọn kỵ mã được cử đi trước, chia thành hai đạo: Đạo nam xuất phát từ Biện Nam, lấy Quy, Bạc, Trần, Thái; đạo bắc xuất phát từ Biện Đông, lên chiến thuyền men Hoàng Hà, thủy lục cùng tiến, dẹp Tào Châu, giữ bến Hoàng Lăng; lại còn điều quân Thiểm Tây ra cửa Hàm, vượt Hổ Lao; quân Sơn Tây ra Thái Hành, xuôi Hoàng Hà, hội sư dưới thành Biện Lương, chiếm lấy thành ngoài của nghĩa quân. Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ tự đóng quân ở doanh Hạnh Hoa, các tướng vây quanh thành mà đắp lũy. Lưu Phúc Thông cố thủ trong thành. Tháng tám, lương thực trong thành cạn. Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ lệnh cho các tướng chia nhau tấn công từ các hướng. Thành vỡ, quân Nguyên bắt được hoàng hậu, mấy vạn gia thuộc của nghĩa quân và năm ngàn quan viên, cùng vô số phù tỷ, ấn chương, bảo vật.

Hà Nam ổn định, Triệu Mẫn sai người ngày ngày tu sửa xe thuyền, binh giáp, lo việc cày cấy tích trữ lương thực, huấn luyện binh sĩ, cùng cha bàn tính hướng tấn công kế tiếp. Lúc này, thái tử và Vương Bảo Bảo đã điều giải thành công mâu thuẫn giữa Trương Sĩ Thành và Phương Quốc Trân, việc vận chuyển đường biển ngưng trệ suốt bảy năm cuối cùng khôi phục. Mười một vạn thạch [1] lương hằng năm được chở đến Đại Đô đã giúp triều đình giải tỏa phần nào gánh nặng.

[1] Đơn vị đo khối lượng hoặc thể tích ở Trung Quốc thời xưa. 1 thạch khoảng 71,616 kg (Nguồn: wikipedia)

Mà cũng trong thời gian ấy, thanh thế của nghĩa quân Khăn Đỏ ở Sơn Đông đã vang dội khắp nơi. Khi Trương Vô Kỵ dẫn theo liên minh ba ngàn người gồm đệ tử các phái và hiệp sĩ giang hồ lên tiền tuyến, đội quân đông lộ tiếp cận Đại Đô đã bị đẩy bật. Y như dự đoán của Triệu Mẫn, họ quay sang chi viện cho quân trung lộ ở Sơn Tây. Tuy nhiên, quân trung lộ chỉ tập trung chiếm đất mà không định tiến thêm nửa bước vào Đại Đô. Thất vọng, Trương Vô Kỵ nhớ tới lời khuyên của Chu Chỉ Nhược, bèn tự tìm đường ra, mang người chuyển đến chiến trường Sơn Đông, hội ngộ cùng Mao Quý - kẻ tạm thời bị đánh lui nhưng ý chí kháng Nguyên càng kiên định. Bọn họ cùng quân đông lộ tại Sơn Đông tiến như chẻ tre, liên tiếp gặt hái thắng lợi, không chỉ công thành đoạt đất mà còn giết cường hào, trừ ác bá, thả tù nhân, chia của cải, đi đến đâu bách tính hai bên đường đều hoan nghênh chào đón. Sau khi quân đông lộ hoàn toàn đứng vững tại Sơn Đông, ngay cả Điền Phong, Dư Bảo, Vương Tín - những Vạn Hộ của triều đình nhà Nguyên phụ trách trấn thủ Hoàng Hà - cũng theo Mao Quý khởi nghĩa, công hạ Tế Ninh để xin hàng. Vương Sĩ Thành - nguyên là tướng lĩnh cánh trung lộ - cũng theo chân Mao Quý. Quân đội ngày một lớn mạnh, Mao Quý thấy thế, quyết tâm sang năm dồn sức tấn công Đại Đô, đánh đuổi tên cẩu hoàng đế Thát Tử ra khỏi kinh thành. Toàn thể tướng sĩ tràn trề tin tưởng.

Chiến báo truyền khắp hậu phương, các đại phái vui mừng khôn xiết. Dưới sự dẫn dắt của Trương Vô Kỵ, Không Trí thần tăng và Trương Tùng Khê, quân đồng minh thiệt hại không nhiều mà chiến công hiển hách. Nhờ đó, hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang góp sức nhiều nhất càng thêm rạng rỡ uy danh. Giờ đây, bất cứ đệ tử nào của hai phái ấy bước ra giang hồ đều được kính trọng tột bậc. Võ Đang nhân cơ hội đấy mở rộng kinh doanh, thu về một khoản kếch xù. Chu Chỉ Nhược cũng mừng thầm không kém, may mà khi trước đã nghe các sư tỷ khuyên răng. Tuy Nga Mi không được coi là lập công lớn song chí ít củng cố được danh tiếng. Thậm chí nàng hối hận cho sự cẩn trọng và toan tính quá mức của mình, giá như Nga Mi có thể cử thêm nhiều người tham chiến hơn thì tốt biết bao nhiêu.

Hai năm trôi qua như thoi đưa, Chu Chỉ Nhược bắt đầu truyền dạy quyển thượng của Cửu Âm Chân Kinh cho các đệ tử đời thứ tư. Nàng không vội mong cầu thành tựu, từ từ hướng dẫn họ luyện từ căn bản. Tuy nhiều người thiên tư có hạn mà tiến bộ chậm chạp nhưng rốt cuộc vẫn gặt hái được thành quả nhất định. Nhờ âm dương kết hợp hài hòa, nội công Cửu Dương Nga Mi mà họ vốn luyện đã tăng tiến đôi chút. Thêm nữa, việc tu luyện nội công khó bề phát hiện được bằng mắt thường nên nỗi lo bị kẻ khác dòm ngó vơi đi ít nhiều.

Cũng trong thời gian này, Trí An - trước kia đã góp sức trong cuộc loạn Khăn Xanh - đã đưa con gái tám tuổi lên núi, than rằng thời thế lầm than, gửi gắm con gái cho Nga Mi làm tiểu ni cô chí ít được no cái bụng.

Chu Chỉ Nhược y theo lời hứa mà nhận đứa trẻ làm đệ tử chân truyền. Nàng nghĩ nhỏ như vậy không cần vội vã xuất gia nhưng Trí An vẫn là một Phật đồ thành kính, kiên quyết muốn con gái quy y thụ giới. Chu Chỉ Nhược ngẫm lại trước đó đã thu nhận đệ tử tục gia, nay cũng cần một đệ tử xuất gia để cân bằng, thế là không ngăn cản nữa. Tĩnh Huyền lật bảng danh sách pháp danh, theo như thứ tự thì tên của nó là Trí Minh. Hai mẹ con bỗng cùng vai vế nên có phần sượng sùng, song Trí An đã hoàn tục về nhà, trên danh nghĩa không còn lăn tăn vai vế của Nga Mi nữa, lẽ đó cũng chẳng màng thêm.

Trí Minh sinh ra có vẻ ngoài đáng yêu, đường nét ngũ quan tròn trịa hơn Vãn Đường, lại được dạy dỗ lễ phép, mỗi ngày đều lẽo đẽo theo sau Chu Chỉ Nhược gọi 'sư phụ', rất ngoan, Chu Chỉ Nhược nghe mà vui lòng. Có điều, đôi thầy trò này lại không suôn sẻ trong việc truyền đạo dạy nghề cho lắm. Khi mới bắt đầu, Chu Chỉ Nhược cảm thấy Diệt Tuyệt sư thái thực là sư phụ tốt nhất trên đời, năm xưa có thể dạy nàng toàn bộ kiếm pháp Nga Mi khi nàng còn bé xíu. Rồi hai tháng sau, Chu Chỉ Nhược lại tự nhận mình là đệ tử xuất sắc nhất thiên hạ, học gì cũng biết, học gì cũng nhanh, dù trên lớp học không tốt cũng tự tìm thời gian luyện thêm. Lại qua hai tháng nữa, rốt cuộc nàng thừa nhận mình đã thu một đồ đệ đần. Tư chất Trí Minh còn không bằng hai đứa bé mà Bối Cẩm Nghi mua về ở chợ.

Tứ chi bẩm sinh của Trí Minh thiếu cân đối, luyện kiếm thường xuyên té ngã rất thảm, trí nhớ thì kém cỏi, khẩu quyết học được câu trước quên câu sau, Chu Chỉ Nhược thường xuyên giận dữ, buông lời cay nghiệt - "Mai mà còn không thuộc, sư phụ sẽ trả ngươi về nhà mẹ".

Nhưng sau cơn giận dữ, nàng lại thấy đứa nhỏ này khóc lóc đáng thương, thiên tư khờ khạo đâu phải lỗi do nó, do cha mẹ nó sinh không tốt, vậy là đã có vô số cái 'ngày mai' như thế. Cuối năm, không ngoài dự liệu, Trí Minh đứng bét bảng thành tích về mọi mặt, Chu Chỉ Nhược trút hết lên đầu Tĩnh Huyền, nói nàng lấy pháp hiệu quá xấu, đặt gì không đặt, cứ phải đặt là 'Minh', nghe ra na ná cứ như là 'Mẫn' [2]. Một cái Triệu Mẫn, một cái Đinh Mẫn Quân, giờ lại thêm Trí Minh, tất cả đều là oan nghiệt đời trước, chuyên môn đến đòi nợ mình.

[2] Phiên âm chữ 'Minh' là 'Míng'; phiên âm chữ 'Mẫn' là 'Mĭn'.

Tĩnh Huyền bị mắng oan vẫn nhẫn nhịn khuyên bảo - "Đồ đệ đầu tiên thường khó dạy, nhìn tỷ và Đinh Mẫn Quân đi, chẳng phải cũng học không ra hồn sao? Nhận thêm vài đứa nữa thì sẽ có đứa xuất sắc xuất hiện thôi".

Mẫn Nhược • Kiếm phi vạn nhân địchWhere stories live. Discover now