39. CHỜ ĐƯỢC TIN LÀNH

15.7K 809 73
                                    

Edited by Bà Còm


Sau khi trở lại Vân phủ, trước tiên Tạ Thiều đi gặp Vân thị nói cho bà biết một chút tin tức mới nhận được từ kinh thành nhưng không dám nói quá nghiêm trọng, chỉ kể nhị phòng không cẩn thận nên xảy ra hỏa hoạn, không ai bị thương vong. Dẫu vậy mà Vân thị vẫn bị kinh tâm động phách, luôn miệng hỏi đi hỏi lại: Cha các con không việc gì chứ?

Tạ Thiều phải bảo đảm ngàn vạn lần phụ thân không xảy ra chuyện gì, vậy mà Vân thị cứ suốt ngày nóng ruột đòi quay về kinh thành. May quá hơn mười ngày sau thì Tạ Cận gửi thư cho Vân thị, viết xuống rõ ràng tất cả mọi chuyện, lúc này Vân thị mới có thể yên tâm.

Cửa hàng được Thẩm công tử hỗ trợ nên thuận lợi khai trương, đặt tên là Đa Bảo các, bảng hiệu được tân khoa Trạng Nguyên tự tay đề danh. Từ chuyện khai trương cửa hàng đến tìm nhân công, Tạ Thiều và Tạ Hộ hoàn toàn được mở mang kiến thức về bản lĩnh của Thẩm công tử. Chỉ trong vòng nửa tháng ngắn ngủn, Thẩm Hấp đã triệu tập được mười mấy sư phó chuyên về chế tạo trang sức - nghe nói đều là danh gia từ khắp mọi nơi - sẵn sàng chờ Tạ Hộ sai phái. Trước khi mở cửa hàng, Tạ Hộ đã thiết kế hơn mười kiểu trang sức tinh xảo, nàng vẽ không tệ lắm, những chỗ tinh tế của các loại trang sức đều có thể vẽ giống như thật. Trải qua mấy ngày nghiên cứu, nhóm sư phó đã thành công dựa theo thiết kế của Tạ Hộ để tạo ra trâm Điệp luyến hoa tinh xảo nhất trên thị trường. Cánh bướm trên cây trâm nhìn cực kỳ linh động, dùng vàng tạo thành. Khi trâm cài trên tóc thì mỗi bước đi đều làm cánh bướm rung rinh thật sống động, nhìn giống y một con bướm vàng đang đậu trên mái tóc.

Hiện giờ, trang sức trên thị trường phần lớn dùng ngọc là chính. Giá trị của trang sức tùy thuộc vào chất lượng ngọc tốt hay xấu, do đó phần thiết kế rất sơ sài. Bởi vì trang sức sử dụng đa số là ngọc thiên nhiên nên phải trải qua mài giũa rất nhiều mà giá trị lại không cao hơn ngọc trước khi mài giũa. Vì thế, thợ thủ công khó tránh khỏi bị hạn chế trong khi chế tác. Tạ Hộ muốn cải tạo lại phương diện này, chế tạo trang sức cho Đa Bảo các chú trọng về kiểu dáng và thủ công tinh xảo. Trên thực tế, thị trường trang sức mười mấy năm sau xác thật dựa theo hướng đi này, chẳng qua Tạ Hộ khiến trào lưu xảy ra sớm hơn một chút mà thôi.

Cửa hàng trang sức vừa mới khai trương, Tạ Hộ cho rằng không bán được bao nhiêu, ai ngờ chỉ ngày đầu tiên mà có không ít nội quyến của quan gia trong thành Dương Châu tới ủng hộ, mỗi nhà mua mấy bộ trang sức khiến thợ thủ công của Đa Bảo các phải ngày đêm đẩy nhanh tốc độ sản xuất.

Sau một phen rối ren thì tiền lời thu vào rất nhiều. Lúc trước khi khai trương ba người đã bàn bạc quyết định phân chia tiền lời như sau: Thẩm Hấp bốn phần, Tạ Thiều và Tạ Hộ mỗi người ba phần. Tạ Thiều và Tạ Hộ không có bất luận dị nghị gì đối với sự phân chia này, bọn họ đã trải nghiệm chuyện mở cửa hàng rườm rà thế nào, thậm chí còn cảm thấy chia cho Thẩm Hấp bốn phần là quá ít. Nếu không có Thẩm Hấp lo từ trên xuống dưới, bọn họ căn bản không biết nên làm sao để vận tác.

Về vấn đề đặt hàng và tiêu thụ Tạ Hộ đều mặc kệ. Hàng bán được nhiều thì càng gia tăng cơ hội tiếp xúc của nàng và nhóm sư phó thợ thủ công. Nhiều ngày qua nàng đã thiết kế mẫu mã không kể ngày đêm, chỉ cần mở mắt là cầm bút vẽ trong tay tuyệt đối không ngừng, cuộc sống trôi qua cực kỳ phong phú. Tuy vất vả nhưng cũng đáng giá, bởi vì lần kinh doanh trang sức này cho lợi nhuận rất lớn. Lúc Tạ Thiều giao cho Tạ Hộ phần tiền lời trong hai tháng, tuy Tạ Hộ đã sớm chuẩn bị tâm lý mà vẫn bị số lời không nhỏ làm nàng hết hồn, vì thế Tạ Hộ càng dụng tâm vẽ thiết kế.

[Edit - Hoàn] TẶNG CHÀNG MỘT ĐỜI VẺ VANGWhere stories live. Discover now